Nơi tôi ở hoa đại rơi trắng đất/ Có ai nhìn hoa nghĩ tóc bạc trên đầu/ Cái thùng thư mới một lần sơn lại/ Bác gác cổng già năm trước giờ đâu? Đó là câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nói về nhà số 4 phố Lý Nam Đế quận Hoàn Kiếm, Hà Nội– trụ sở tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thời Pháp thuộc, phố có tên là phố Tướng Giốp, dân gian gọi là “phố nhà binh” vì phố này nằm dọc theo tường thành phía Đông của thành Hà Nội đời Nguyễn, một thời là trại lính Tây và sau này là trụ sở Bộ Quốc phòng.
Tòa nhà được xây dựng dưới thời bác sĩ Trần Văn Lai là Thị trưởng Hà Nội theo thiết kế của một kiến trúc sư người Pháp. Đây từng là nơi ở của các sĩ quan Nhật, sau là Pháp. Từ sau khi thủ đô giải phóng (10-10-1954), nhà số 4 trở thành ngôi nhà của các văn nghệ sĩ quân đội.
Theo nhà thơ Thanh Tịnh, đích thân đại tướng Nguyễn Chí Thanh, bấy giờ là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã lệnh cho một số sĩ quan quân đội chuyển đi nơi khác, nhường tòa biệt thự này làm trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội xuất bản số đầu tiên và chính thức phát hành rộng rãi trong và ngoài quân đội từ tháng 1-1957 với tôn chỉ mục đích là tuyên truyền đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng trong lực lượng vũ trang và trong nhân dân. Đăng tải các sáng tác, nghiên cứu phê bình văn học góp phần bồi dưỡng phẩm chất tâm hồn người chiến sĩ, phát hiện bồi dưỡng những tài năng văn nghệ trẻ, đặc biệt là tài năng trẻ trong quân đội. Nơi đây không chỉ là nơi hội tụ của các thế hệ nhà văn quân đội mà còn là địa chỉ quen thuộc của các cây bút trong cả nước và là diễn đàn của các nhà văn Việt Nam.
Trải qua hơn 55 năm hoạt động, tạp chí đã tổ chức hàng chục cuộc thi truyện ngắn và thơ, cuộc thi nào cũng phát hiện ra những tài năng văn học. Nhiều “trạng nguyên”, “bảng nhãn” của các cuộc thi này hiện vẫn đang là trụ cột của văn học nước nhà. Những năm đầu, tạp chí ra mỗi tháng một kỳ, phát hành rộng rãi trong toàn quốc và nhiều nước với số lượng lớn, 150.000 - 200.000 bản/kỳ. Trong những năm chiến tranh ác liệt, tạp chí vẫn có mặt hầu hết ở các mặt trận. Ở đâu có bộ đội, ở đó có Tạp chí Văn nghệ Quân đội, có người “nhà số 4”.
Có những nhà văn mang hộ khẩu nhà số 4 nhưng mang thẻ phóng viên mặt trận, thường trú chiến trường, từng là sáng lập viên đồng thời cũng là người biên tập các tờ tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng (của Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam), Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung bộ (Khu 5) đã để lại cả tuổi xuân và máu xương nơi tiền tuyến.
Bộ đội đọc Tạp chí Văn nghệ Quân đội trên đường hành quân, bên cánh võng, trong căn hầm dã chiến hoặc giữa hai trận đánh. Nhiều cuốn tạp chí do bom đạn đã sém lửa, đôi khi thấm máu người viết thế mà bộ đội vẫn chuyền tay nhau đọc đến rách nát. Tạp chí Văn nghệ Quân đội có 5 nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật là Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Hữu Thỉnh, hàng chục nhà văn khác được giải thưởng Nhà nước. Rất nhiều nhà văn khác được giải thưởng Hội Nhà văn, giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng và các giải văn học quốc tế (Bông Sen, ASEAN, Sông Mekong). Gần như 100% biên tập viên, phóng viên đã và đang công tác ở tạp chí là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng là tạp chí văn chương đầu tiên, duy nhất hiện nay được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT và cũng là một trong không nhiều cơ quan báo chí có phóng viên chiến trường được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT - nhà văn liệt sĩ Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyễn Hoàng Ca).
Hiện tạp chí ra mỗi tháng 2 kỳ và vẫn là tờ tạp chí văn chương có số lượng phát hành hàng đầu trong cả nước (hơn 25.000 bản/kỳ). Bên cạnh tạp chí in còn có thêm Văn nghệ Quân đội điện tử, tuy mới ra đời 3 năm nhưng có hơn 4 triệu lượt người truy cập và hiện nằm trong tốp 5 các trang báo mạng văn học.
“Nhà số 4 - phố nhà binh” không chỉ là một ngôi biệt thự với những nét kiến trúc độc đáo mang phong cách Á - Âu hài hòa nổi tiếng ở thủ đô mà nơi đây còn là một địa chỉ văn hóa đã in dấu chân rất nhiều tên tuổi lớn của văn học cách mạng Việt Nam thế kỷ 20 gắn với một “thương hiệu” của báo chí (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) nên có thể nói nơi đây cùng với di tích kiến trúc đã được xếp hạng còn là một di tích văn chương của Hà Nội.
NGÔ VĨNH BÌNH