(SGGP-ĐTTC).- Thủ tướng Chính phủ vừa giao cho Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nghiên cứu đề xuất mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân trình Chính phủ xem xét. Phóng viên ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Mạnh Cường (ảnh), Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Nhiều ý kiến cho rằng “tập đoàn” chỉ là cái tên, điều quan trọng là doanh nghiệp đó hoạt động có hiệu quả. Quan điểm của ông về vấn đề này?
TS. NGUYỄN MẠNH CƯỜNG: - Việc hình thành tập đoàn kinh tế tư nhân là kết quả của quá trình phát triển, tích tụ và tập trung tư bản trong cơ chế thị trường. Khi nhu cầu về chuyên môn hóa, tích tụ về vốn, năng lực quản lý và cạnh tranh quốc tế lớn đến một mức độ nhất định, mô hình tập đoàn kinh tế sẽ là lựa chọn tất yếu của những công ty đa quốc gia và xuyên quốc gia nhằm mục tiêu hoạt động hiệu quả hơn. Theo tôi, để tiến tới tập đoàn, bản thân doanh nghiệp phải đạt được hiệu quả kinh tế quy mô lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm.
Nhiều tập đoàn hình thành nhưng chi phí sản xuất tăng lên, chi phí hành chính lớn, quản lý yếu và sức cạnh tranh kém đã làm yếu đi sức cạnh tranh của chính mình và cả nền kinh tế. Đã có rất nhiều mô hình tập đoàn chỉ là “vòi hút” đối với nguồn lực quốc gia và với ngân sách nhà nước, gây hậu quả xấu cho sự phát triển kinh tế.
- Nếu áp dụng các mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, ta sẽ gặp những khó khăn gì, thưa ông?
- Mô hình tập đoàn trên thế giới rất đa dạng. Ở các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay ở châu Âu, thông thường tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành thông qua quá trình sáp nhập hoặc mở rộng ra thành cấu trúc tập đoàn. Các tập đoàn đó thường không có tư cách pháp nhân, chỉ có công ty mẹ mới có. Quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con là quan hệ về tài chính, công nghệ và nhân sự… đặc biệt là bí quyết công nghệ, từ đó họ tạo ra sức mạnh tài chính. Tuy nhiên cũng có những quốc gia có khung pháp lý về mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân, có quốc gia không.
Các nước Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc do phát triển sau nên họ không đi lại con đường dài như của Hoa Kỳ hay châu Âu để hình thành mô hình tập đoàn kinh tế. Họ buộc có sự dẫn dắt của nhà nước để những tập đoàn đó đi đúng quy luật thị trường, phát triển nhanh hơn. Vai trò của nhà nước là xây dựng khung pháp luật, các thể chế, chính sách thúc đẩy tập đoàn kinh tế phát triển. Việc đầu tư phát triển tập đoàn sẽ tạo sức bật rất lớn đối với sự phát triển kinh tế đất nước và khi các tập đoàn có nguy cơ phá sản buộc Nhà nước phải có biện pháp hỗ trợ.
Nếu muốn áp dụng những mô hình đó vào Việt Nam phải đặt trong khung thể chế kinh tế và văn hóa nước ta, cũng như trong định hướng phát triển của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa xây dựng được những nguyên tắc, một đội ngũ nhân sự đủ mạnh để quản lý những tập đoàn lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ USD vì chưa có khung thể chế riêng.
- Thưa ông, dựa trên cơ sở nào Hội Doanh nhân trẻ đề xuất với Thủ tướng việc xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân?
- Những năm qua, cùng với sự phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước, đã có những nhóm doanh nghiệp tư nhân mạnh, có mối liên kết và hoạt động dưới sự điều hành chung, thương hiệu chung. Đây có thể xem là điều kiện phôi thai của việc hình thành những mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân tại nước ta. Tuy nhiên, mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân tại Việt Nam hiện gặp không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất đối với các tập đoàn non trẻ là chưa được pháp luật thừa nhận một cách đầy đủ. Để tháo gỡ vướng mắc này, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có đề xuất và được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan cùng Hội nghiên cứu, đề xuất mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân.
- Vậy đề án trên đã được hoàn thiện đến đâu, thưa ông?
- Hiện nay chúng tôi đang gấp rút xây dựng dự thảo về mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi tập trung vào 3 vấn đề chính: kinh nghiệm quốc tế, những đặc trưng của kinh tế Việt Nam và vai trò các tác nhân có liên quan (của Nhà nước, doanh nghiệp và của hội). Từ đó sẽ có mô hình trình diễn và xây dựng khung thể chế cụ thể. Đây là vấn đề không thể nóng vội được vì cần phải nghiên cứu đa ngành, nhất là về thể chế luật pháp và thực tiễn kinh tế. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi gặp nhiều thuận lợi vì đặt vấn đề đúng thời điểm và trào lưu xã hội. Nhà nước cũng có cơ chế tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa đang chuyển hóa thành quy mô lớn; nhu cầu khách quan của nền kinh tế khi hội nhập ngày càng mạnh mẽ…
Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp phải không ít khó khăn về môi trường thể chế, những khái niệm, định nghĩa cơ bản còn gây nhiều tranh cãi, việc chuyển hóa kinh nghiệm quốc tế vào Việt Nam là điều không dễ dàng... Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực, phấn đấu trình Chính phủ đề án ban đầu về mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân đúng vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
- Xin cảm ơn ông.
Khánh Ly (Thực hiện)