Phóng sự là một thể loại chủ lực của báo chí hiện đại. Một trong những tiêu chí quan trọng của thể loại này là người viết không chỉ cung cấp cho bạn đọc sự việc, hiện tượng mà còn phải đưa ra thông điệp. Vì thế, người viết phóng sự phải dấn thân, trăn trở với thực tiễn cuộc sống. Đọc Lên rừng xuống biển (ảnh), chúng tôi cảm nhận rõ nét điều đó.
Cách đây 20 năm, từ Báo Lâm Đồng, nhà báo Văn Phong đầu quân về Báo SGGP, sau khi đã đoạt giải nhất Giải Báo chí Lâm Đồng với thể loại phóng sự điều tra. Từ phóng viên thường trú, Văn Phong từng bước trưởng thành và được giao nhiều nhiệm vụ, từ công tác quản lý đến công tác phát hành báo.
Lên rừng xuống biển là tập sách đầu tay (về nghiệp vụ) của Văn Phong, tập hợp hơn 60 bài phóng sự, ghi chép đã được đăng trên các ấn phẩm của Báo SGGP trong 20 năm nay. Đúng như tựa sách, bằng lao động nhà báo tận tụy và nghiêm túc, tác giả đã cho ra đời những bài báo mang hơi thở cuộc sống và được thể hiện với ngôn ngữ giàu cảm xúc.
Với “Lên rừng”, Văn Phong có mặt ở khắp các nẻo đường, từ Đà Lạt, Tây Nguyên đến Sa Pa để trình làng các phóng sự, ghi chép: Văn hóa Tây Nguyên đang mai một, Một ngày ở Buôn Đôn, Lại nói về tê giác ở rừng Cát Lộc, Rừng khóc, Giữ rừng ở Tây Nguyên - Cuộc chiến còn cam go, Mộc mạc chè Thái, Đau đáu một làng nghề, Lên Sa Pa ngủ bản... Các bài báo ấy, không chỉ mang đến cho bạn đọc một không gian văn hóa, một thực tiễn sôi động, mà còn mở hướng đưa ra các giải pháp, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển cho một địa phương, đơn vị, ngành nghề. Trong số đó, nhiều bài viết, tác giả sử dụng bút pháp văn học, giàu cảm xúc, nên dễ đọc, dễ đi vào lòng người
Với “Xuống biển”, tác giả đi dọc biển Nam Trung bộ, phát hiện Du lịch Phú Yên, tiềm năng chưa được đánh thức; về mảnh đất nắng gió Phan Rang có loạt bài Thành phố mọc lên từ… cát, Được mất làng biển Vĩnh Hy, Trăn trở làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Và khi về với Côn Đảo, Văn Phong phát hiện ra những bất cập trong cách quản lý và đề xuất các giải pháp để vùng đất này thực sự là nơi linh thiêng, giáo dục truyền thống cách mạng và thu hút du khách thập phương.
Cha của Văn Phong quê gốc Bình Định, mẹ anh quê Hà Nam và anh sinh ra trên quê lúa Thái Bình, những vùng đất gắn với biển cả, sông nước nên ngòi bút của Văn Phong khi viết về mảng đề tài này có vẻ mượt mà, đằm thắm hơn. Bài phóng sự mới nhất (đăng Báo SGGP ngày 30-5-2018) Mặn mòi Cà Mau, Văn Phong đã dẫn lời những người con vùng đất mũi này, khát khao xây dựng những công trình mới để dân nơi đây bớt nghèo, đất nơi đây ngày thêm giàu có, an bình. Đây là vùng đất anh ấp ủ viết phóng sự từ lâu nên khi thể hiện đã lột tả được sự mặn mòi của hương đất quyện với tình người, giúp bạn đọc thêm yêu, thêm quý mảnh đất nơi cuối trời Tổ quốc.
Tập sách dày gần 400 trang, tập hợp những bài phóng sự đã in báo không thể làm thỏa mãn người đọc những tiêu chí về văn chương và nghệ thuật. Nhưng mỗi tác phẩm, kể cả báo chí và văn học đều có nét riêng, có điểm đến riêng của nó. Lên rừng xuống biển của Văn Phong trao đến người đọc một thông điệp mới lạ về đất và người Việt Nam dưới góc nhìn chân thành và nhân hậu.
Kỷ niệm 20 năm về làm Báo SGGP, nhà báo Văn Phong trình làng “đứa con tinh thần” đầu tay như một sự tri ân của tác giả với những vùng đất anh đã đi qua, đánh dấu một chặng đường lao động nghiêm túc và nhiệt huyết của Văn Phong trên cánh đồng chữ nghĩa gian nan nhưng ý nghĩa.