Tháng 8-2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) ra Chỉ thị 42-CT/TW về việc nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, trong đó nhấn mạnh: “Huy động các nguồn lực cho xuất bản và phát hành sách phục vụ đông đảo nhân dân”.
Phát triển mạnh mẽ
Việc xã hội hóa xuất bản đã mang lại sự thay đổi triệt để trong công tác xuất bản tại Việt Nam. Cũng vào thời điểm năm 2004, ngành xuất bản trong nước đứng trước tình thế khó khăn khi đối diện với công ước Berne về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Sách xuất bản đòi hỏi nghiêm khắc hơn về bản quyền, nhu cầu bạn đọc trong quá trình đất nước mở cửa hội nhập cũng cao hơn. Hầu hết các đơn vị xuất bản đứng trước tình thế khó khăn về vốn, năng lực cạnh tranh…
Trước tình hình đó, việc các đơn vị ngoài quốc doanh chung sức vào lĩnh vực xuất bản đã đem lại làn gió mới, mạnh mẽ và tươi mát cho toàn ngành xuất bản. Những cái tên như Nhã Nam, Trí Việt, Alpha, Thái Hà, Vietbooks… dần trở nên quen thuộc với bạn đọc. Sách được nhập về có chất lượng ngày càng cao, sách vừa đoạt giải thưởng lớn thế giới như Nobel, Goncourt, Man Booker… đã lập tức có mặt ở Việt Nam. Sách ăn khách nhất thế giới được xuất bản trong nước cùng lúc với thế giới, nhà văn thế giới liên tục đến Việt Nam giao lưu với bạn đọc… Liên kết xuất bản trở thành trào lưu chính của toàn ngành với mức liên kết trung bình trên dưới 50%, cá biệt có NXB đạt 90%, thậm chí 100%.
Trong khâu phát hành, liên tục trong suốt 9 năm, toàn ngành đều có mức phát triển mạnh mẽ. Phát hành sách phát triển theo hướng ngày càng quy mô, chuyên nghiệp. Các cửa hiệu sách dần nhường chỗ cho những siêu thị sách cỡ lớn với tiện nghi cao cấp, số lượng sách lên đến cả trăm ngàn đầu sách, các tiện ích hỗ trợ đa dạng… Cũng liên tục nhiều năm, đơn vị phát hành sách hàng đầu cả nước như Fahasa còn đứng chân trong đội ngũ 10 nhà bán lẻ hàng đầu cả nước với tổng doanh thu lên đến hơn 1.500 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực in ấn, đây là lĩnh vực có quá trình xã hội hóa diễn ra sớm nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất. Nhờ vậy mà công nghệ in đã có bước tiến nhanh, trở thành một trong 6 ngành có bước phát triển công nghệ mạnh nhất (theo đánh giá của Chính phủ). Sản phẩm in trong nước hiện tại ngang hàng với các nước tiên tiến trong khu vực.
Buông lỏng quản lý
Chỉ thị 42 nhấn mạnh đến một vấn đề trong việc xã hội hóa xuất bản, đó là: “Xây dựng, ban hành cơ chế quản lý phù hợp, có hiệu quả đối với lực lượng tham gia hoạt động xuất bản, in, phát hành ngoài quốc doanh”. Thực hiện điều này, nhiều năm qua các cơ quan quản lý đã liên tục đưa ra nhiều mô hình quản lý như trong Luật Xuất bản 2004, rồi sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản vào năm 2008, Luật Xuất bản năm 2012 và nhiều văn bản dưới luật liên quan.
Thế nhưng, thực tế cho thấy công tác quản lý trong việc xã hội hóa xuất bản vẫn chưa thực sự có hiệu quả như mong muốn. Các hiện tượng tiêu cực trong xuất bản như sách lậu, sách vi phạm nội dung, sách chất lượng thấp, vi phạm bản quyền… vẫn diễn ra. Thậm chí, nhiều trường hợp gây dư luận tiêu cực, ảnh hưởng đến toàn xã hội.
Nguyên nhân có nhiều nhưng đến nay, sau các cuộc hội thảo, hội nghị thì nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng trên là do việc buông lỏng quản lý để tư nhân chi phối. Như ở các NXB là hiện tượng bán giấy phép xuất bản, cơ quan chủ quản không nắm hoạt động của NXB; ở lĩnh vực in ấn là tình trạng thiếu kiểm tra, liên kết giữa địa phương với cơ quan chủ quản, thiếu quy hoạch dẫn đến tập trung quá nhiều vào một vài nơi… Trong công tác phát hành là thiếu quy hoạch, nhà sách chỉ tập trung ở các tỉnh thành lớn mà bỏ quên các địa phương; vì lợi nhuận nên một số đơn vị phát hành tiếp tay cho sách lậu, sách vi phạm…
Hướng tới tương lai
Tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra ở TPHCM về xã hội hóa xuất bản, đại diện Cục Xuất bản cho rằng sau gần 10 năm kêu gọi các nguồn lực, vấn đề hiện nay không chỉ là huy động mà còn là hướng nguồn lực vào đâu để đem lại hiệu quả cao nhất.
Có một thực tế là hiện nay, ước tính khoảng 100.000 người làm việc trong lĩnh vực phát hành, xấp xỉ con số đó trong ngành in nhưng chỉ có khoảng vài ngàn người làm trong lĩnh vực xuất bản. Vậy mà ngay cả con số ít ỏi đó cũng đang gặp vấn đề về thế hệ kế thừa, trình độ nghiệp vụ, nhất là ở khâu biên tập do thiếu hụt đào tạo, nguồn nhân lực… Đầu tư cho đội ngũ xuất bản được xem là một mục tiêu quan trọng trong thời gian tới.
Vấn đề quản lý lĩnh vực xuất bản đang đứng trước một giai đoạn đầy thử thách khi công nghệ đang dần thay đổi bản chất lĩnh vực xuất bản. Xuất bản, phát hành qua mạng dù chưa thể thay thế sách in truyền thống nhưng cũng đang trở thành một xu thế chung trên toàn thế giới. Nếu không có cái nhìn hướng đến tương lai, quản lý xuất bản sẽ lại tiếp tục đi sau, sửa sai hơn là mở đường cho phát triển.
Để dần loại bỏ những mặt tiêu cực, phát huy những mặt tích cực của xã hội hóa xuất bản, ông Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, đã nêu bật các nhóm giải pháp cơ bản gồm: Có nhận thức rõ hơn về quan điểm, phương thức xã hội hóa; đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý; xây dựng cơ chế, chính sách; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tài chính; công tác thanh tra, kiểm tra trong quá trình xã hội hóa và cuối cùng là có biện pháp cụ thể để nâng cao trách nhiệm đạo đức của người làm công tác xuất bản.
| |
TƯỜNG VY