Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt

Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt

Ngày 18-10, mưa đã giảm trên hầu hết các địa phương miền Trung, lũ trên các sông đã đạt đỉnh và xuống chậm. Với phương châm “lũ rút đến đâu khắc phục đến đó”, người dân cùng các lực lượng chức năng khẩn trương cứu trợ, khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống.

Lực lượng cứu hộ chuyển mì tôm cứu trợ cho người dân vùng lũ huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Ảnh: Minh Phong

Lực lượng cứu hộ chuyển mì tôm cứu trợ cho người dân vùng lũ huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Ảnh: Minh Phong

Miền Trung: 15 người chết và mất tích

Đợt lũ này đã làm cho 12 người chết (Quảng Bình: 4 người, Quảng Trị: 5 người, Thừa Thiên - Huế: 1 người, Quảng Nam: 1 người, Đà Nẵng 1 người); 3 người mất tích. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm cho 14 người khác bị thương; 86.993 ngôi nhà bị ngập, sập và hư hại; hơn 5.000ha lúa và hoa màu bị ngập úng, hư hại. Chiều 18-10 lũ tại Quảng Bình đang rút nhưng rất chậm, sông Kiến Giang trên huyện Lệ Thủy vẫn vượt mức báo động 3 gần 0,6m khiến 19.000 hộ dân tại đây vẫn bị lũ vây. Huyện Quảng Ninh vẫn còn khoảng 11.000 hộ dân bị lũ chia cắt. Huyện đã chủ động thu mua hàng trăm thùng mì tôm đưa đến các rốn lũ nặng nề như Tân Ninh, Gia Ninh, Hiền Ninh, Xuân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh… để cứu trợ cho dân.

Đặc biệt, huyện cũng đã cấp nóng 33 tấn gạo lên đồng bào Vân Kiều ở xã Trường Sơn nằm phía Tây đường Hồ Chí Minh. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã khẩn cấp đưa ngay 100.000 viên lọc nước (mỗi viên lọc 20 lít) xuống các hộ dân vùng lũ nhằm giải quyết phần nào căng thẳng thiếu nước, chuyển 700 thùng mì tôm xuống các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Minh Hóa, Tuyên Hóa… cứu đói dân vùng lũ.

Nhà dân ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình bị chìm trong lũ. Ảnh: Minh Phong

Nhà dân ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình bị chìm trong lũ. Ảnh: Minh Phong


Tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện cho biết, các lực lượng địa phương đang tập trung gia cố bờ biển bãi tắm Cửa Tùng và các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện bị sạt lở nặng tập trung ở các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Ô... Ông Lê Vĩnh Hùng, Trưởng công an xã Hải Thọ (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) cho biết, các lực lượng PCBL và TKCN địa phương đang tập trung gia cố kênh đê bao nội đồng vốn bị vỡ một số đoạn trong các trận lũ vừa qua.
Ngày 18-10, mưa tại Thừa Thiên - Huế ngớt hạt, hàng ngàn người dân di dời tránh lũ bắt đầu trở về nhà thu dọn đồ đạc và vệ sinh môi trường khu dân cư. Công ty vệ sinh môi trường đô thị thành phố Huế đã phối hợp với người dân hai bên đường Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Đống Đa... thu dọn rác thải và lớp bùn non để lại trên mặt đường sau khi lũ rút.

Chiều 18-10, thi thể em Nguyễn Văn Quang (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh) bị rớt xuống kênh và mất tích hôm 17-10 đã được tìm thấy (Báo SGGP đã thông tin). Hội Chữ thập đỏ của phường Hòa Minh tổ chức quyên góp được 13 triệu đồng hỗ trợ cho gia đình em Quang trong việc mai táng.

Đến sáng nay 18-10, lũ trên địa bàn miền Trung đã rút nhưng vẫn còn ở mức cao. Ảnh: Nguyễn Hùng

Đến sáng nay 18-10, lũ trên địa bàn miền Trung đã rút nhưng vẫn còn ở mức cao. Ảnh: Nguyễn Hùng

Thừa Thiên - Huế: Rau xanh tăng giá đột biến

Sáng nay, 18-10, mưa tại Thừa Thiên - Huế ngớt hạt, lũ trên sông Hương, sông Ô Lâu xuống dưới báo động 3. Nhiều tuyến đường vẫn ngập sâu trong lũ, sạt lở đã gây khó khăn trong giao thông. Ông Trần Kim Thành, Phó Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, toàn tỉnh có 10.141 nhà bị ngập, 296ha hoa màu bị ngập lụt, đổ ngã...

Tuyến tỉnh lộ từ Quảng Điền đi TP Huế bị ngập sâu từ 0,5 đến 1 mét, người dân phải dùng thuyền để di chuyển. Ảnh: Văn Thắng

Tuyến tỉnh lộ từ Quảng Điền đi TP Huế bị ngập sâu từ 0,5 đến 1 mét, người dân phải dùng thuyền để di chuyển. Ảnh: Văn Thắng

Theo ghi nhận của PV Báo SGGPO, sáng nay 18-10, giá rau xanh tại các chợ lớn ở TP Huế như Đông Ba, An Cựu, Trường An tăng giá một cách đột biến. Rau muống ngày thường giá 3.000đ/bó nhưng sáng nay đã giá 10.000đ/bó; rau cải, hành ngò, bí xanh... cũng tăng giá từ 3.000đ-5.000đ/kg so với ngày thường.

Các tiểu thương cho biết, rau xanh còn tiếp tục tăng giá trong một vài ngày tới. Nguyên nhân, các vùng chuyên canh rau xanh tại huyện Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà... đều bị mất trắng vì ngập úng trong nước lũ. Trong khi đó, rau từ các tỉnh phía Bắc không vào được vì quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Bình bị ngập lụt, chia cắt.

Đồng Tháp: Hơn 8.711 lượt hộ vùng lũ được cứu trợ

Chiều 18-10, theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Đồng Tháp, cho biết, thống kê mới nhất cho thấy tổng thiệt hại do lũ lụt và thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh đến nay lên mức hơn 904 tỷ đồng, trong đó thiệt hại nặng nhất là các công trình giao thông với trên 398,7 tỷ đồng.

Sáng 18-10, tại đoạn mương Thầy Cai, ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình xảy ra sạt lở với chiều dài 45m, ăn sâu vào bờ trên 20m, chính quyền địa phương buộc phải di dời khẩn cấp 2 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm.

Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Đồng Tháp, tình hình sạt lở ở các xã cù lao huyện Thanh Bình và Hồng Ngự đang ở mức báo động đỏ. Hiện nhiều khu vực tiếp tục bị nứt đất, nguy cơ sạt lở trong những ngày tới rất lớn. Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 21.457 căn nhà bị ngập nước, 64 căn nhà bị sập đổ cuốn trôi. Những ngày qua, các tổ chức và cá nhân đã cứu trợ cho 8.711 lượt hộ dân vùng lũ, với nguồn kinh phí 2,4 tỷ đồng, gồm tiền mặt và hàng hóa.

Nhóm PV

  • Báo SGGP và Ban Từ thiện Hiệp hội Nhựa TPHCM hỗ trợ đồng bào vùng lũ

Nhằm hỗ trợ giúp bà con vùng lũ tại tỉnh An Giang nói chung và các xã đầu nguồn thị xã Tân Châu nói riêng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, Báo SGGP phối hợp Ban Từ thiện Hiệp hội Nhựa TPHCM tổ chức đoàn đến tỉnh An Giang để trao quà và tiền mặt giúp đồng bào nơi đây. Theo đó, vào ngày 23-10, đoàn sẽ tặng 500 phần quà cho đồng bào đang gặp khó khăn tại một xã đầu nguồn thuộc huyện An Phú và 2 xã thuộc huyện Tân Châu. Tổng số tiền mặt và quà tặng là 125 triệu đồng, trong đó Báo SGGP tặng 50 triệu đồng tiền mặt còn quà gồm: mì gói, mền đắp, quần áo, bánh kẹo… do Ban Từ thiện Hiệp hội Nhựa TP tặng.

Kh.Dung

  • Quảng Ngãi: Cứu 6 ngư dân rơi xuống biển

Tin từ Văn phòng ban chỉ huy phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vào lúc 2 giờ sáng nay ngày 18-10, tàu QNg 94447 TS của ông Nguyễn Nên, quê ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ- Quảng Ngãi với 6 thuyền viên hành nghề giã cào đôi, do ông Võ Giữ làm thuyền trưởng, trên đường di chuyển vào cửa biển Đà Nẵng đến vị trí 16 độ 13 phút vĩ Bắc- 108 độ 13 phút kinh Đông (khu vực Hòn Chảo- Đà Nẵng) va vào đá ngầm, bị chìm. Toàn bộ thuyền viên trên tàu rơi xuống biển.

Sau 3 giờ vật lộn với sóng dữ, các thuyền viên đã được tàu cá QNg 94282 của ông Võ Xin, quê ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ gần khu vực tàu ông Giữ đến cứu. Đến 5 giờ 30 phút sáng nay, 18-10, tất cả 6 ngư dân này được cứu vớt an toàn.

Anh Vinh

  • Trà Vinh : Cứu sống 6 thuyền viên của 2 vụ tàu chìm

Khoảng 1 giờ ngày 18-10, Đồn biên phòng 622-Trường Long Hoà (Bộ đội biên phòng Trà Vinh) nhận tin báo từ gia đình là tàu cá của ông ông Phan Văn Chi ở ấp Chợ, xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) có công suất 25CV do hai thuyền viên đang đánh cá cách bờ biển đoạn khu du lịch Ba Động khoảng 1 km, gặp sóng to, gió lớn bị chìm, hai thuyền viên trôi dạt trên biển.

Đồn biên phòng 622 liên lạc hai tàu cá đang hoạt động gần đó tham gia tìm kiếm cứu nạn. Chỉ sau 1 giờ, hai thuyền viên đã được tìm thấy và đưa vào bờ an toàn.

Khoảng 5 giờ cùng ngày, Đồn biên phòng 622-Trường Long Hoà tiếp tục nhận được tin xà lan KG-38888 có bốn thuyền viên, do Quách Văn Lâm điều khiển, đang trên đường chở cát về sông Long Toàn, huyện Duyên Hải, khi đến khu vực đầu cồn Vượt, cách vàm Láng Nước khoảng 3 km, gặp sóng to, tàu mất lái, vướng cồn, chìm tại chỗ, 4 thuyền viên mặc áo phao, trôi dạt trên biển.

Nhận tin báo, đồn biên phòng 622 chỉ đạo trạm biên phòng Láng Nước thuê hai tàu của HTX nuôi nghêu cùng hai chiến sĩ của trạm và 6 ngư dân tham gia tìm kiếm cứu nạn. Đến 7 giờ cùng ngày, tất cả hai ngư thuyền viên bị nạn được cứu vớt và đưa vào bờ an toàn.

Đình Cảnh

- Mưa lũ nhấn chìm miền Trung

Tin cùng chuyên mục