Trong lịch sử phát triển của mình, Argentina đã từng trải qua những đợt khủng hoảng tiền tệ hết sức nghiêm trọng và hiện lạm phát vẫn còn là bóng ma ám ảnh đất nước này. Dù GDP của Argentina được dự báo sẽ tăng từ 7% đến 9% trong năm 2010, nhưng Argentina cũng là quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao đứng hàng thứ hai ở Mỹ Latinh, sau Venezuela. Báo cáo của cơ quan thống kê quốc gia về tỷ lệ lạm phát năm nay là 11,1%, nhưng các nhà phân tích cho rằng tỷ lệ lạm phát thật sự của nước này đã là 26% và có chiều hướng tăng nhanh với những khoản chi tiêu chính phủ trước cuộc bầu cử tổng thống dự kiến trong năm nay.
Với thị trường tiền tệ còn tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bất ổn (theo nhận định của IMF), tỷ lệ lạm phát được dự báo có khả năng vọt lên đến 30%, người Argentina đang xoay xở tìm cách “cất” tiền tiết kiệm của mình. Theo lý thuyết, khi đồng tiền bị mất giá nhanh vì lạm phát, mọi người chỉ giữ lượng tiền tối thiểu vừa đủ cho các giao dịch hàng ngày, dành phần lớn để tích trữ hàng hóa hay tài sản có giá trị lớn. Trong quá khứ, người Argentina đã từng “chống” lạm phát bằng cách trữ USD. Nhưng đồng tiền này đang yếu đi, không còn là chọn lựa an toàn, đặc biệt khi những đồng tiền khác, như đồng real của Brazil đang mạnh lên so với USD.
Cũng vì lẽ đó, khác với những giai đoạn khủng hoảng trước đây, khi người dân Argentina đổ xô mua bất động sản, vàng hay ngoại tệ mạnh… thì hiện nay, từ tầng lớp trung lưu đến bình dân đều đổ xô mua xe hơi. Người có tiền tậu xe hơi hạng sang, người ít tiền hơn thì mua xe hơi đã qua sử dụng. Doanh số xe hơi bán ra trong năm 2010 đã tăng lên mức kỷ lục, nhưng không phải do nhu cầu mà vì người dân muốn bảo toàn tài sản trong thời lạm phát.
Ở châu Âu hoặc Mỹ, một chiếc xe hơi mới mua sẽ bị mất 20% giá trị ngay khi nó lăn bánh rời khỏi nơi bán. Nhưng ở Argentina thì không, Hernan Dietrich, chủ doanh nghiệp mua bán xe hơi lớn nhất Argentina cho biết, một người có thể mua một chiếc xe hơi với giá 50.000 peso, sử dụng nó trong một năm, và bán nó vào năm tới với một giá như vậy hoặc thậm chí còn cao hơn nữa. Ở đây, sự mất giá của xe hơi chạy vào khoản lạm phát. Thế nên nhiều người quyết định mua xe hơi nếu họ không có cách nào khác để tiết kiệm tiền. Ngoài ra, họ còn có thể kiếm lợi nhuận từ cách chống lạm phát này. Để mua chiếc Peugeot, anh Hernan Valdez đã vay một khoản nợ trả góp trong vòng 5 năm với lãi suất 16%/năm. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ lạm phát thực tế hàng năm tăng đến 26% thì anh vẫn còn lời khá . Chuyên gia kinh tế Lee Branstetter của trường ĐH Carnegie Mellon phát biểu với tờ Global Post rằng: “Khi lãi suất thấp hơn tỷ lệ lạm phát, bạn có thêm tiền khi vay”. Người Argentina có thể gánh nợ khi mua tài sản có giá trị thật, nhưng giá trị của khoản nợ sẽ “co dần” theo thời gian. Thà mua một chiếc xe hơi còn hơn là nhìn tiền bạc mất dần trong ngân hàng (theo giá trị). Những người không đủ tiền mua xe hơi thì mua tivi màn hình phẳng hoặc điện thoại di động. Có người mua tivi và đưa vào... nhà vệ sinh.
Tuy nhiên, theo tờ Global Post, với phương châm chi tiêu nhiều hơn để tiết kiệm nhiều hơn, người dân Argentina thực tế sẽ bị “lạm phát” nhiều hơn.
Xuân Hạnh