Tây Nguyên đang vào mùa thu hoạch cà phê nhưng nhiều hộ vẫn chạy đôn chạy đáo để thuê người thu hái. Cùng với đó, việc hàng chục ngàn lao động tập trung đến Tây Nguyên cũng tiềm ẩn những hệ lụy về an ninh trật tự.
Giành lao động
Tại Gia Lai, nhiều hộ trồng cà phê không tìm thuê được người thu hái. Trong vai người cần tuyển lao động hái cà phê, chúng tôi đến bến xe Đức Long Gia Lai (TP Pleiku) và bến xe huyện Chư Sê để tìm nhân công. Tại đây, cũng có hàng tốp chủ vườn cà phê chầu chực sẵn. Thấy từng đám nam nữ vai mang túi xách lỉnh kỉnh, họ xúm lại giành thuê với giá 160.000 đồng/ngày. Nhưng những người này lắc đầu, đồng thời cho biết đã được chủ vườn thuê cả tháng trước, giờ bắt xe lên đi làm. Thấy chúng tôi chán nản, mấy anh xe ôm gạ xin số điện thoại, hẹn khi có mối sẽ gọi giới thiệu. Những người này không quên ra “yêu sách” bồi dưỡng tiền xăng xe, điện thoại đi tìm, liên hệ.
Nhóm lao động ở thị xã Ayun Pa (Gia Lai) lên huyện Ia Grai hái cà phê thuê Ảnh: Võ Phúc
Giữa cái nắng gắt buổi trưa tại công viên thị trấn Di Linh (huyện Di Linh, Lâm Đồng), nhiều “nhà tuyển dụng” (chủ vườn cà phê cần thuê lao động thu hái) đứng chờ những chuyến xe chở lao động từ các tỉnh miền Tây, miền Trung lên Lâm Đồng hái cà phê thuê. Ông Trần Huy, ngụ thị trấn Di Linh, cho biết: “Trước đây lao động ngoài tỉnh thường tự bắt xe lên, mình gặp ai thì thuê người đó. Nhưng bây giờ các nhà xe nắm bắt được nhu cầu về lao động tăng cao nên họ tổ chức đưa đón, giới thiệu nhân công để thu phí “cò” từ 300.000 -500.000 đồng/người. Khi tới mùa thu hoạch cà phê, địa điểm này được coi là chợ lao động mùa vụ”.
Tại Đắk Lắk, Đắk Nông, dù đã bước vào vụ thu hoạch cà phê hơn một tháng, nhưng nhiều chủ vườn vẫn gặp khó khăn trong việc tìm thuê được người hái cà phê. Nhà ông Nguyễn Văn Đệ (ở xã Ea H’đinh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) có 4ha cà phê đã chín rộ nhưng chưa thu hoạch được vì thiếu người hái. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, ông Đệ cũng chỉ thuê được 2 người hái cà phê. ‘’Giá nhân công thu hái cà phê năm nay đã tăng lên 200.000 đồng/ngày (tăng hơn 50.000 đồng/ngày so với năm ngoái) nhưng gia đình tôi chỉ thuê được 2 người. Tôi vừa phải gọi điện về quê ở Nghệ An để nhờ người thân vào hái giúp”, ông Đệ cho hay.
Không riêng gì gia đình ông Đệ, nhiều chủ vườn cà phê ở huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) cũng đang đỏ mắt tìm thuê người hái cà phê cho mình. Khi chiếc xe khách chạy tuyến Gia Lai - TPHCM vừa dừng tại ngã ba Đức Mạnh (huyện Đắk Mil), 4 người trên xe tay xách ba lô bước xuống thì gần chục người đang ngồi chờ ở đây bỗng đứng phắt dậy. Họ đi theo hỏi han và đưa ra các điều kiện giá cả thuê rất “thoải mái” nhưng rồi cả 4 người này đi thẳng đến chiếc xe công nông đã chờ họ bên kia đường. Không thuê được người, cả nhóm người lại tiếp tục ngồi chờ, ngóng những chuyến xe tiếp theo.
Siết chặt quản lý
Chưa có thống kê cụ thể, nhưng cứ mỗi mùa thu hoạch cà phê, Tây Nguyên thu hút hàng chục ngàn lao động mùa vụ. Việc tập trung người đông đúc ở các vùng chuyên canh cà phê kéo theo các hệ lụy như: lừa lao động, trộm cắp, mất an ninh trật tự… Vào năm 2014, hơn 30 người ở các xã Đăk Kroong, Chư H’Dreng và xã Đắk Rơ Wa (TP Kon Tum) đã bị “cò” xe ôm dụ dỗ sang Lâm Đồng hái cà phê với lương cao. Tuy nhiên họ bị chủ vắt kiệt sức lao động, phải ăn uống kham khổ nên đã chạy trốn và gọi điện cho người thân sang Lâm Đồng đưa về. Tại Gia Lai, Lâm Đồng cũng từng xảy ra nhiều vụ án mạng, mà hung thủ là những lao động được thuê đến hái cà phê.
Để đảm bảo an ninh trong vụ mùa thu hái cà phê, các địa phương quyết liệt triển khai nhiều biện pháp ngay từ đầu mùa. Đại tá Tăng Năng Ái, Trưởng Công an huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cho biết, công an huyện đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý tạm trú và đảm bảo an ninh trật tự như: thành lập tổ công tác quản lý hành chính trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho những người đến đăng ký tạm trú. Tăng cường tuần tra các tổ tự quản nhằm ngăn chặn trộm cắp. Yêu cầu công an xã, công an viên công khai số điện thoại để sẵn sàng tiếp nhận thông tin.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB-XH Lâm Đồng, để đảm bảo an ninh trật tự, chấn chỉnh hoạt động tuyển dụng lao động, vừa qua đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở LĐ-TB-XH, Công an tỉnh Lâm Đồng và các huyện, đã đi kiểm tra những công ty môi giới việc làm, qua đó phát hiện một số doanh nghiệp thu tiền tạm ứng của người lao động trái quy định, ghi sổ thông báo lưu trú về người lao động chưa đầy đủ, chứng từ kế toán, phiếu thu phí không có chữ ký của thủ quỹ… “Công tác kiểm tra sẽ được triển khai liên tục, nếu phát hiện đơn vị nào sai phạm, nhẹ thì ra quyết định xử phạt hành chính, nặng thì thu hồi giấy phép kinh doanh” - ông Dũng cho biết.
NHÓM PV