Mới vừa bước vào mùa khô nhưng phần lớn sông suối, ao hồ ở Tây Nguyên đã cạn trơ đáy. Người dân nơi đây đang phải quay cuồng tìm nước để sinh hoạt và cứu cây trồng, vật nuôi.
Dùng cả nước bẩn
Tại xã Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), hạn hán đã làm các công trình nước tự chảy ở các làng H’vắt 1, H’vắt 2, Hu Răng 1 , Hu Răng 2, Tung Keng 1, Tung Keng 2 và Gia Lâm ngưng chảy từ lâu, khiến hàng trăm hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt. Những năm trước, suối Pết chảy qua các làng H’vét 1 và H’vét 2 đầy ắp nước; còn năm nay, mực nước con suối đã giảm nghiêm trọng, nhiều đoạn trơ từng mõm đá. Khi chúng tôi có mặt tại đây vào sáng sớm 16-3, một nhóm người trong làng H’vét 1 đang chắt lọc múc từng tí nước suối. Mọi năm, người trong làng H’vét 1 uống nước ở các công trình nước tự chảy, chỉ dùng nước ở suối để tắm. Bây giờ hạn lớn, nước khô nên người dân phải bấm bụng uống nước suối. “Biết sẽ ảnh hưởng sức khỏe nhưng không uống thì… chết khát. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Để nước đỡ bẩn hơn, tôi thường thức dậy thật sớm để đi lấy nước vì lúc ấy chưa có ai tắm, giặt. Chứ để đến trưa hay chiều mới đi lấy nước, lúc ấy người dân đưa trâu, bò xuống suối tắm thì nước còn bẩn hơn”, bà H’ra đang múc từng gàu nước đổ vào 20 chiếc chai nhựa, tâm sự.
Dân làng Hvét 1 (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) ra suối Pết lấy nước về dùng. Ảnh VÕ PHÚC
Đến xã Đạ M’rông (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng), chúng tôi chứng kiến người dân nơi đây đang quay quắt vì thiếu nước sinh hoạt. Khi hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt từ thượng nguồn về không ổn định, bà con nơi đây hàng ngày phải đi bộ nhiều kilômét ra sông Krông Nô (tiếp giáp tỉnh Đắk Lắk) để gùi từng can nước về sử dụng. Nhưng hiện mực nước sông Krông Nô cũng xuống rất thấp, có nhiều đoạn người dân có thể dễ dàng lội qua. Những gia đình không gần các con sông, suối đành phải lựa chọn cách đào giếng sâu với hy vọng sẽ tìm được nguồn nước sử dụng cho qua mùa khô nhưng việc này tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
Ông Nguyễn Văn Chính, Chánh Văn phòng UBND huyện Đam Rông, cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền rộng rãi cho bà con, dù thiếu nước nhưng không nên sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Hiện cả huyện có khoảng 900 hộ đang thiếu nước sinh hoạt, tập trung nhiều nhất ở xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông”.
Ở xã Sa Nghĩa (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), bà con dân tộc Ba Na cũng đang tấp nập mang gùi đi cõng nước, đưa xe máy đi chở nước từ công trình nước tự chảy về nhà sinh hoạt. Muốn có nước, bà con ở đây phải đi thật sớm, chờ đợi vài ba giờ mới đến lượt mình lấy nước. Anh A Giáp, Trưởng thôn Đắk Tăng (xã Sa Nghĩa) cho biết, toàn thôn có 104 hộ với 580 nhân khẩu nhưng chỉ có 27 giếng nước sạch sinh hoạt. Các giếng nước ở đây phải đào sâu từ 25 - 32m mới có nước. Nhưng đến nay, hơn 50% giếng ở đây đã cạn trơ đáy. Để có nước sinh hoạt, bà con trong thôn phải tìm nước từ các khe suối nhỏ.
“Mót” nước
Giữa cái nắng gay gắt của “tháng ba Tây Nguyên”, con suối Ea M’Droh (xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) đã hoàn toàn khô cạn. Dưới chân cầu đi qua thôn Thạch Sơn (xã Ea M’Droh), một nhóm người vẫn không ngừng đào đất để đắp kè ngăn suối. Theo ông Trần Văn Quang (ở thôn Thạch Sơn), để cứu vườn cà phê, mấy tháng nay gia đình ông cùng 3 hộ dân khác đã góp tiền mua vật liệu, bỏ công xây bờ kè chắn ngang con suối này để hy vọng giữ được nước tưới. Nhưng suối khô cạn, trời lại không mưa nên phía trên bờ kè giờ chỉ trơ toàn đá. Thấy vậy, các hộ dân lại tiếp tục nảy ra “sáng kiến” thuê máy múc sâu xuống lòng suối, đào “giao thông hào” dài hàng chục mét, hy vọng có nguồn nước mạch. Nhưng nước mạch rỉ ra chẳng được bao nhiêu, ngày đêm “mót” chỉ đủ tưới vài chục gốc cây. “Không nỡ nhìn vườn cây chết khô, chúng tôi xót của nên vay mượn, nghĩ ra đủ cách để cứu cây. Nhưng cách nào cũng thất bại, mấy hécta cà phê vì thiếu nước tưới cứ khô héo, chết dần từng ngày”, ông Quang xót xa.
Không riêng gì xã Ea M’Droh, cuộc chạy đua tìm nước tưới đang diễn ra khốc liệt ở khắp Tây Nguyên. Tại hồ Đắk Nia (xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), nhiều người dân túc trực quanh hồ để “mót” những giọt nước cuối cùng. Chỉ bơm được ít phút thì hết nước, họ lại chuyển máy sang khu vực khác sâu hơn, chờ nước hồi để bơm. Theo ông Nguyễn Thái Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, nguồn nước tưới đợt 2 của xã cơ bản đảm bảo nhưng đợt 3 sẽ có nhiều diện tích cây trồng sẽ bị thiếu nước trầm trọng. Đi dọc quốc lộ 14, đoạn qua xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil, Đắk Nông), không khó để thấy cảnh người dân địa phương mang can, thùng đi mua nước. Vừa chở can nước về tới nhà, anh Hoàng Văn Hải (thôn 2 Nam Sơn, xã Đắk Gằn) cho hay: “Nước giếng ở nhà đã nhiễm tạp chất, mấy tháng nay lại khô cạn nên gia đình tôi phải đi xa mua nước về nấu nướng, ăn uống. Nếu tôi mua 1 can (30 lít) thì họ tính 8.000 đồng, 2 can thì 15.000 đồng. Tôi cũng đang nhờ người về khoan giếng nhưng khu vực này rất nhiều đá, gặp may mới có nước”.
Theo ông Phạm Đức Châu, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, từ cuối tháng Giêng đến nay, toàn xã có khoảng 25% người dân thiếu nước sinh hoạt. Ở các bon, đồng bào dân tộc thiểu số, bà con phải vào các sông suối đang khô cạn để tìm nước mạch về dùng. Còn một số thôn dọc quốc lộ 14 như Sơn Thượng, Trung Hòa, Nam Sơn... nhiều hộ dân phải đi xin hoặc mua nước sạch về sử dụng. Dự kiến, từ nay đến cuối tháng 3 sẽ có khoảng 50% nhân dân trong xã phải chống chọi với cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Nhiều diện tích cà phê của người dân huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) khô héo vì thiếu nước tưới
Ảnh CÔNG HOAN
Quyết liệt chống hạn
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, toàn vùng hiện có 2.865ha lúa phải dừng sản xuất (Gia Lai 2.650ha, Đắk Nông 215ha), 5.800ha lúa đông xuân bị hạn (chiếm khoảng 8% diện tích gieo trồng) và gần 8.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt. Dự kiến thời gian tới, diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới là 150.000ha (hơn 13.000ha lúa và hơn 136.000ha cây công nghiệp) và khoảng 34.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình khí hậu diễn biến phức tạp, năm nay các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động phương án chống hạn ngay từ những ngày đầu mùa khô. Các tỉnh đã thành lập những tiểu ban chống hạn, xây dựng các phương án phòng, chống hạn như: nạo vét, tu sửa hệ thống hồ đập, kênh mương; khuyến cáo người dân nên gieo trồng ở những nơi nguồn nước đảm bảo; phân phối, điều tiết nước hợp lý ở các công trình thủy lợi; nâng cao ý thức của người dân về sử dụng nước tiết kiệm để bảo đảm nhiều diện tích cây trồng được tưới...
Tại hội nghị chống hạn cho Tây Nguyên (tổ chức ngày 7-3 vừa qua ở tỉnh Đắk Lắk), Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đã chỉ đạo các địa phương tập trung duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống cho nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những địa bàn khô hạn gay gắt, chính quyền cần huy động phương tiện chở nước đến cấp cho dân, kiên quyết không để người dân thiếu nước dùng hàng ngày; không để trâu, bò chết vì thiếu nước. Còn tại buổi kiểm tra công tác chống hạn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vào chiều 8-3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đề nghị tỉnh cần quán triệt tình hình thiên tai nghiêm trọng này đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân để xây dựng các kế hoạch ứng phó, cân đối nguồn nước, lên kế hoạch sử dụng có hiệu quả, sử dụng nước tiết kiệm. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị các hồ thủy điện phải xả nước theo chỉ đạo của chủ tịch UBND các tỉnh để chống hạn.
Nhóm PV
| |