Tây Nguyên thu hút thêm 13 dự án với tổng vốn 16.600 tỷ đồng

Tây Nguyên thu hút thêm 13 dự án với tổng vốn 16.600 tỷ đồng

(SGGPO).- Sáng 17-5, tại Đà Lạt, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 3.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì hội nghị.

Tây Nguyên là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp khai khoáng, thủy điện; sản xuất các loại cây công nghiệp như: cà phê, cao su, chè, hồ tiêu; sản xuất rau, hoa và du lịch.

Ký kết hợp đồng đầu tư vốn và thỏa thuận hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và qua 2 lần tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đã thu hút được nhiều dự án đầu tư. Giai đoạn 2011-2015, nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ bố trí để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ trên địa bàn Tây Nguyên là trên 30.000 tỷ đồng. Nhiều dự án trên các lĩnh vực thủy lợi, công nghiệp, y tế, giáo dục… cũng đã và đang được triển khai đầu tư. Nguồn vốn ODA được thu hút, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, giao thông vận tải, lâm nghiệp, giáo dục và đào tạo, y tế, cấp nước sinh hoạt. Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), giai đoạn 2011 đến tháng 4-2015, toàn vùng thu hút 38 dự án với tổng vốn 122 triệu USD.

Mặc dù vậy, cơ cấu nguồn vốn đầu tư thu hút vào Tây Nguyên chưa hợp lý, chủ yếu là nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn BT, BOT; số dự án và vốn đầu tư ODA và FDI còn ít và việc sử dụng, quản lý vốn còn hạn chế, bất cập. Một số dự án giao thông trọng điểm đầu tư chậm, kéo dài. Việc giải phóng mặt bằng, tái định cư ở một số công trình thủy điện chưa làm tốt, ảnh hưởng đến đời sống lâu dài của người dân. Thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như: cà phê, cao su, hồ tiêu… còn ít, chưa tạo được chuỗi giá trị cao, bền vững.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, các tỉnh Tây Nguyên đã trao quyết định đầu tư cho 13 doanh nghiệp thực hiện 13 dự án tiêu biểu với tổng vốn đầu tư trên 16.600 tỷ đồng, trong đó Kon Tum có tổng mức đầu tư lớn nhất với 7.700 tỷ đồng. Cũng tại hội nghị diễn ra lễ ký kết hợp đồng đầu tư vốn và thỏa thuận hợp tác của 8 ngân hàng thương mại (LienVietPostBank, VCB, Vietinbank, Agribank, BIDV, SHB, MB, Sacombank) với 17 doanh nghiệp  thực hiện 16 dự án. Đồng thời, các ngân hàng cam kết cho vay trung và dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng để đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như: thủy điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi…

Nam Viên

Tin cùng chuyên mục