Tây Ninh tái cơ cấu nông nghiệp

Nhược điểm cơ bản của ngành nông nghiệp là sản xuất tốt nhưng lại yếu khi tìm đầu ra sản phẩm. Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm giải bài toán ngược để sản xuất gắn với thị trường, với chuỗi giá trị; qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định hơn cho nông dân.
Tây Ninh tái cơ cấu nông nghiệp

Nhược điểm cơ bản của ngành nông nghiệp là sản xuất tốt nhưng lại yếu khi tìm đầu ra sản phẩm. Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm giải bài toán ngược để sản xuất gắn với thị trường, với chuỗi giá trị; qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định hơn cho nông dân.   

Lặng lẽ bên thế mạnh…

Tiếp giáp với TPHCM - động lực chính của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - tỉnh Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam bộ có quỹ đất dành sản xuất nông nghiệp chiếm trên 65% (gần 270.000ha) diện tích đất tự nhiên.

Nhờ sông Vàm Cỏ và sông Sài Gòn, cùng hệ thống thủy lợi khá đồng bộ nên có nguồn nước ngầm và nước mặt dồi dào; chỉ riêng hồ thủy lợi Dầu Tiếng tưới tiêu chủ động cho 47.000ha đất canh tác. Khí hậu ôn hòa, ít gặp bão lụt, đất đai thích nghi với nhiều loại nông sản nhiệt đới như cao su, mía, cây công nghiệp ngắn ngày (khoai mì, đậu phộng); các loại rau, hoa, quả nhiệt đới... và có địa hình bằng phẳng, không cao như Tây nguyên, không quá thấp như đồng bằng sông Cửu Long nên thuận tiện cho việc cơ giới sản xuất quy mô lớn.

Có thể nói, ít địa phương như Tây Ninh nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp. Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. Nhưng thời gian qua, người dân các nơi biết Tây Ninh chủ yếu là điểm đến của du lịch tâm linh núi Bà Đen hơn là địa phương có nhiều thế mạnh để có thể phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.

Những sản phẩm có thế mạnh của Tây Ninh tại buổi trưng bày với khách hàng Ảnh: CTV

Tây Ninh còn kết nối giao thương với Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài và Sa Mát. Vậy nhưng, giá trị sản phẩm bình quân đất sản xuất chỉ ở mức 85,5 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người khá khiêm tốn với 1.500 USD/năm (khoảng 33 triệu đồng). Phần lớn các nông sản phẩm tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và chế biến ở dạng thô, chưa gắn với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa quốc gia và quốc tế; ngoài cây mía, chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp chưa nhiều. Đây là do cơ cấu cây trồng chưa phù hợp, cây giá trị thấp lại chiếm diện tích và tỷ trọng lớn so với những cây có giá trị cao, đặc biệt là rau, hoa, quả nhiệt đới.

“Hạn chế này khiến doanh thu và giá trị lợi nhuận trên một đơn vị diện tích thấp, phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân thẳng thắn thừa nhận như vậy tại hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình thí điểm tại Tây Ninh” được Bộ NN-PTNT, tỉnh Tây Ninh, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ và Tạp chí Nhà quản lý cùng phối hợp tổ chức mới đây.

Xác định thị trường để tổ chức sản xuất

Để thực hiện việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã tích cực phối hợp với những đơn vị có các mối quan hệ rộng để giúp kết nối và đi tìm hiểu, học tập các nơi. Lãnh đạo tỉnh cùng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tổ chức nhiều chuyến thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong nước; cũng như đi xúc tiến đầu tư, thị trường tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…; gặp gỡ và làm việc với nhà đầu tư các nước để có đủ cơ sở hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao định hướng thị trường quốc tế và nội địa, thúc đẩy việc tái cơ cấu lại sản xuất của tỉnh.

Theo Tiến sĩ Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, đến nay các hợp đồng, thỏa thuận về đầu ra cho nông sản của tỉnh với thị trường lớn các nước và nội địa được xác định. Nhà đầu tư trong và ngoài nước khảo sát, xúc tiến thủ tục đầu tư. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Tây Ninh ban hành nghị quyết về tái cấu trúc nền nông nghiệp, phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị định hướng thị trường.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang, mục tiêu của tỉnh là các ngành hàng nông nghiệp phải tiến tới sản xuất theo chuỗi, giúp các sản phẩm nông nghiệp không những đạt yêu cầu về số lượng mà còn phải mang lại giá trị cao, tăng thu nhập, lợi nhuận ổn định cho người dân. Tây Ninh chủ động tìm hiểu thị trường, quảng bá và tiếp thị nông sản ra nước ngoài khá bài bản, hiệu quả; liên kết các kênh phân phối nội địa có uy tín để tìm đầu ra cho nông sản. Bước đầu thu hút khá nhiều nguồn lực trong và ngoài nước đến đầu tư, tài trợ, chuyển giao công nghệ để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thành thế mạnh của tỉnh, được Bộ NN-PTNT đánh giá cao nỗ lực của tỉnh, chủ động áp dụng công nghệ cao vào chuỗi giá trị từ gieo trồng, chăn nuôi, đến các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, chợ đầu mối và nhà máy cũng như chủ động kêu gọi đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chuẩn bị cho chương trình phát triển tái cấu trúc nông nghiệp của tỉnh.

Tây Ninh đã chuẩn bị đủ điều kiện để trở thành mô hình điểm phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị hội nhập thị trường thế giới và nội địa, phù hợp với định hướng phát triển của ngành. Bộ NN-PTNT cũng đánh giá cao quyết tâm của tỉnh khi ban hành nghị quyết chuyên biệt, xây dựng kế hoạch cụ thể, tập huấn bài bản cho cán bộ quán triệt chủ trương tái cấu trúc nền nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển toàn diện các chuỗi giá trị. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình thí điểm tại Tây Ninh có kết quả, cần thực hiện đồng bộ từ quy hoạch phát triển ngành hàng, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ cung ứng đầu vào, tổ chức sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Trong đó, doanh nghiệp có vai trò quan trọng đảm bảo sự hoạt động của toàn chuỗi giá trị.

 Tỉnh Tây Ninh trao chủ trương đầu tư cho Công ty Lavifood và công bố chiến lược phát triển hệ thống 5 nhà máy chế biến; trao chủ trương đầu tư trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và thu mua nông sản và hệ thống chợ đầu mối cho Công ty Kết nối Xanh; trao chủ trương đầu tư chương trình đào tạo công nhân kỹ sư nông nghiệp theo tiêu chuẩn Nhật Bản của Công ty DIK (do Tập đoàn Daiki đầu tư); phát triển hệ thống chuỗi cung ứng lạnh cùng Tập đoàn United Technologies - Carrier (Hoa Kỳ); kết nối 10.000ha tham gia sản xuất cung ứng cho chuỗi giá trị của các hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp... Khoảng 1 tỷ USD của các công ty trong và ngoài nước cam kết đầu tư vào chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu sau 5 năm triển khai, GDP nông nghiệp tỉnh cán mốc 8 tỷ USD và thu nhập của nông dân từ 1.500 USD/năm lên 5.000USD/năm.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục