Tê giác Java đã tuyệt chủng tại Việt Nam

Ngày 25-10, tại Hà Nội, WWF và Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế (IRF) khẳng định: Tê giác Java một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus) đã tuyệt chủng tại Việt Nam.
Tê giác Java đã tuyệt chủng tại Việt Nam

(SGGPO).- Ngày 25-10, tại Hà Nội, WWF và Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế (IRF) khẳng định: Tê giác Java một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus) đã tuyệt chủng tại Việt Nam.

Kết quả phân tích gen của 22 mẫu phân do nhóm khảo sát của WWF và Vườn Quốc gia Cát Tiên thu thập từ năm 2009 đến năm 2010 cho thấy tất cả các mẫu phân này đều thuộc về xác cá thể tê giác được tìm thấy tại Vườn Quốc gia Cát Tiên vào tháng 4, năm 2010. Xác cá thể này đã được tìm thấy ngay sau khi cuộc khảo sát kết thúc.

Kết luận nêu trên được công bố trong một báo cáo mới nhất của WWF, trong đó nêu rõ săn bắn trộm có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của cá thể này.

Tê giác Java đã tuyệt chủng tại Việt Nam ảnh 1

Tê giác Java đã tuyệt chủng tại Việt Nam

Đây là cuộc điều tra quần thể loài Tê giác Java  thứ 2 tại Việt Nam (cuộc điều tra đầu tiên do trường đại học Queen, Canada, thực hiện năm 2004 đã nhận định có ít nhất 2 cá thể tê giác còn sống tại Vườn Quốc gia Cát Tiên tại thời điểm đó).

Tê giác Java từng được coi là tuyệt chủng tại đất liền châu Á cho đến khi người ta phát hiện một cá thể tê giác bị săn bắn vào năm 1988 tại khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên. Sự tồn tại của một quần thể nhỏ tê giác đã được biết đến. Bắt đầu từ giữa những năm 1990, một số tổ chức đã tham gia sâu vào công tác bảo tồn quần thể tê giác Java còn lại ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Tuy nhiên, bản báo cáo nhìn nhận rằng, công tác bảo vệ thiếu hiệu quả tại Vường Quốc gia Cát Tiên chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng của tê giác.

Tại buổi họp báo công bố báo cáo nêu trên, ông Nick Cox, Quản lý Chương trình Loài của WWF-Greater Mekong nói: “Nếu tình trạng này không được cải thiện, nhiều loài nữa tại Việt Nam sẽ tiếp tục bị tuyệt chủng. Các khu bảo tồn tại Việt Nam cần phải có nhiều kiểm lâm hơn, họ cần được đào tạo và giám sát tốt hơn nữa, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình cao hơn”.

Hiện nay, trên thế giới chỉ còn lại một quần thể tê giác Java duy nhất tại một vườn quốc gia nhỏ của Indonesia với số lượng chưa đến 50 cá thể.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục