Tệ nạn xã hội vùng giáp ranh - Bài 1: Trường gà bủa vây

Từ nhiều năm nay, Đồng Nai trở thành “điểm nóng” của khu vực Đông Nam bộ với nhiều băng nhóm giang hồ hoạt động, thay nhau thâu tóm địa bàn cùng các hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi và đáng chú ý là xuất hiện nhiều sới bạc với quy mô lớn nhỏ được tổ chức dưới hình thức trường gà gây bức xúc dư luận.

LTS: Nằm giáp ranh TPHCM, các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh có mức tăng trưởng kinh tế khá, thu hút một lượng lớn người lao động về đây làm ăn sinh sống, đồng thời cũng nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp. Trong đó, nạn cờ bạc dưới hình thức đá gà, hay nạn trộm cắp, cho vay nặng lãi với lãi suất “cắt cổ” đi kèm các biểu hiện xã hội đen khiến nhiều người lao động nghèo, công nhân ở các khu công nghiệp (KCN) lâm cảnh khốn cùng. Các địa phương này nằm giáp ranh với TPHCM, nên mặc dù lực lượng chức năng đã tổ chức hàng loạt cuộc truy quét và bắt giữ nhiều đối tượng cộm cán, thế nhưng các hoạt động tội phạm vẫn diễn ra âm ỉ, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Con bạc dạt về vùng giáp ranh

Một người am hiểu hoạt động tội phạm này ở huyện Nhơn Trạch cho biết: Sau vụ Tuấn “khỉ”, hầu như các con bạc đều phải chuyển địa bàn về các vùng ven TPHCM giáp với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương để tiếp tục hoạt động. Mới đây nhất, Công an tỉnh Đồng Nai đã tung hàng chục trinh sát đeo bám và theo dõi điểm đánh bạc tại khu vực giáp ranh giữa 2 huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) giáp ranh Bà Rịa - Vũng Tàu do 2 đối tượng Phan Công Thành (Thành Bánh) và Chín Long cầm đầu. Đường vào trường gà phải men theo ngõ hẻm bùn lầy, vượt hàng chục cây số đồi rẫy um tùm, vườn tràm và các trinh sát phải nằm chờ dưới các tán cây đến khi các con bạc say sưa đá gà mới ập vào bắt giữ 33 đối tượng. Sau cuộc truy quét này, hoạt động của các trường gà kín đáo hơn vì các đối tượng cầm đầu bắt đầu cảnh giác.

Các đối tượng bị bắt tại một trường gà ở Đồng Nai

Còn tại huyện Nhơn Trạch cũng nổi lên xã Long Thọ là tụ điểm tập trung các trường gà lớn nhất huyện và nổi cộm nhất là trường gà do Lê Tấn Triều (còn gọi Triều Tiên) cùng Hòa “điên”, Cu “đây” cầm đầu từng “làm mưa, làm gió” gây bất ổn an ninh - trật tự tại địa phương. Ngoài mở trường gà, Triều còn làm chủ quán karaoke Triều Tiên cực lớn ở đây, thường hay “nổ” có người thân làm “tướng quân đội”, “trong giới giang hồ không ai dám đụng vì đã được bảo kê”. Tuy nhiên vào cuối tháng 10- 2020, trường gà đã bị Trung đoàn Cảnh sát cơ động E29, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá, bắt giữ 12 đối tượng cùng nhiều tang vật. Sau khi trường gà này bị triệt phá, các đối tượng lập tức chuyển sang địa phận các xã lân cận, lén lút hoạt động.

Địa phương bất lực

Sau nhiều tuần đeo bám địa bàn, chúng tôi mới có cơ hội tiếp cận được một trường gà nằm gần một ngã ba đường liên ấp (giáp ranh giữa ấp Xóm Hố và Đất Mới - thuộc xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, cách UBND xã Phú Hội khoảng hơn 2km). Khu vực này dân cư và nhà cửa thưa thớt hơn, có vài dãy nhà trọ cho người lao động thuê ở. Án ngữ giữa ngã ba đường là một quán nước được dựng bằng mái tôn trên nền đất nhô cao, một chiếc bàn đá, ghế nhựa, võng do người đàn ông tên Núi bán hàng. Cạnh đó là bãi đất trống, có vài chiếc lồng nhốt gà được phủ bóng mát bởi rặng liễu già nua. Người dân địa phương khẳng định đây chính là trường gà do Tâm Em cầm đầu.

Tâm Em khoảng hơn 40 tuổi, có nhà gần sát ngay trường gà nên dễ dàng kéo điện phục vụ những cuộc bài vào ban đêm, còn trường gà hoạt động vào ban ngày, vào khoảng từ 9 giờ và 15 giờ. Ngày thường, trường gà im ắng do ít người chơi, hễ vào cuối tuần rầm rộ hẳn với hàng chục con bạc; việc vay tiền nóng để bắt độ các trận đá gà cũng diễn ra tại đây. “Mỗi trận đá gà các con bạc hò hét ầm ĩ, số tiền ăn thua mỗi cuộc chơi chí ít cũng hàng chục triệu đồng. Dù trường gà nằm ngay ven đường nhưng người địa phương và người lạ không dám bén mảng vì đám giang hồ bảo kê”, một người dân tiết lộ. Con bạc đến đây chủ yếu là thanh niên bản địa và các vùng lân cận, đa số lười lao động, chỉ chăm chăm việc sát phạt để kiếm sống. “Máu mặt” nhất trong dân chơi đá gà ở đây là Tuấn, tụ tập gần chục thanh niên ăn chơi, xăm trổ đầy mình và hàng ngày đưa các “chiến kê” đến nhiều nơi sát phạt. Mới đây, Tuấn bị chém gãy tay vì có liên quan đến tiền bạc.

Trong vai người đi thuê nhà trọ, chúng tôi vào dãy nhà đối diện trường gà và phát hiện có hàng chục con gà đá đang được nuôi nhốt trong lồng, cung cấp cho trường gà. Tại đây có 7-8 thanh niên xăm trổ đầy mình, tay cầm gà đá để chờ người đến bắt kèo. Ngay cửa đi vào có một thanh niên bị thương nặng ở mắt phải đang dán băng keo, chân trái bị gãy phải đóng nẹp, tóc cua trông vẻ dữ tợn, nhìn chằm chằm khi thấy người lạ. Khi chúng tôi hỏi: “Có phòng trọ ở qua đêm không” thì nam thanh niên thẳng thừng nói: “Không”. Để tránh bị phát hiện, chúng tôi nhanh chóng quay xe, phóng ra ngoài.

Trao đổi với PV Báo SGGP, một lãnh đạo địa phương xác nhận, trường gà thuộc ấp Xóm Hố thường xuyên tổ chức đá gà và đánh bài ăn tiền, mỗi lần công an vào kiểm tra thì các con bạc viện lý do là chúng nó “sổ gà” (luyện gà). Các con bạc thường xuyên thay đổi địa điểm nên rất khó phát hiện, thậm chí thấy cán bộ cơ sở đi kiểm tra thì chúng sẵn sàng chặn lại. Vị cán bộ bức xúc: “Con bạc là đám xã hội đen nên dân ở đây không dám ho he một tiếng vì sợ trả thù. Một cán bộ đi cùng đoàn kiểm tra việc lấn chiếm lề đường, công tác an ninh trật tự cũng bị thù hằn và bị đánh giữa đường. Khu vực này bất ổn về an ninh, ngoài trường gà này, các con bạc còn tụ tập ở khu vực vườn tràm - lối đi vào có biểu tượng 4 con ngựa trắng và vườn tràm gần Trường Mẫu giáo Ánh Dương”. Dù nhiều lần cán bộ địa phương nhắc nhở và đề nghị dẹp bỏ, nhưng đáng ngạc nhiên các trường gà vẫn ngang nhiên hoạt động!

Cờ bạc “dã chiến” mùa Covid-19

Không chỉ đá gà tại chỗ mà các đối tượng còn tổ chức đá gà qua mạng và ở mỗi điểm đều có chân rết của các băng nhóm cho vay nặng lãi như tụ điểm của Trương Chí Phước (tự Bé) tổ chức tại quán cà phê nằm trên địa bàn ấp 1, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đã có một số nạn nhân vì mê đá gà qua mạng mà số tiền vay mượn lên đến hơn tỷ đồng, khi không có khả năng chi trả liền bị nhóm xã hội đen dùng roi điện, mã tấu hành hung. Chuyện xảy ra cách đây hơn một năm. Đó là trường hợp của N.H.L. (ấp Bình Hữu, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa).

Và khi dịch Covid-19 bùng phát ở Campuchia, buộc nước này phải quyết định đóng cửa biên giới, thế là các trường gà, sòng bạc (do người Việt qua mở) ở dọc tuyến biên giới giữa Việt Nam và Campuchia qua cửa ngõ 2 tỉnh Tây Ninh, Long An phải tạm ngừng hoạt động. Do “ăn quen nhịn không quen”, nên các chủ trường gà, sòng bạc này lén lút kéo về phía Việt Nam mở sòng bạc, trường gà để chơi tiếp. Huyện Đức Hòa (Long An) tiếp giáp với quận Bình Tân và huyện Hóc Môn - TPHCM là một trong những nơi được các chủ trường gà, sòng bạc chọn làm điểm “tập kết”.

Trường gà của “bầu Thắng” ở gần ngã tư thị trấn Đức Hòa là một trong những trường gà “dã chiến” được hình thành như thế. Tại đây, các tay có máu mặt chơi gà ở Bình Dương, Cà Mau, TPHCM, Cần Thơ, Kiên Giang… kéo về đây “đâm chém nhau” qua từng cặp gà đá, mỗi độ ăn thua hàng trăm triệu, có trận lên đến hơn 500 triệu đồng. Trường gà này do ông Thắng, một trùm gà ở vùng giáp ranh mở, mỗi tuần mở đá vào 2 ngày thứ năm và chủ nhật. Trường gà này nếu đi từ chợ Bà Hom (quận Bình Tân - TPHCM) theo tỉnh lộ 10 về thị trấn Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa,  tỉnh Long An) khoảng gần 30km; phía bên trái vòng xoay Võ Văn Tần có con hẻm nhựa, đi vào chừng hơn 100m đối diện một trường học có cổng vào trường gà. Phía bên ngoài trường gà có nhiều thanh niên canh gác, cảnh giới nên muốn vào đá gà thì khi đi phải mang theo một con gà đá.

Qua tìm hiểu của PV, những khu vực là điểm nóng về tổ chức đá gà qua mạng như ở thị trấn Đức Hòa, xã Đức Hòa Đông, Đức Hòa Thượng, Đức Hòa Hạ… đều có băng nhóm của Phước (tự Bé), M.Đ. đứng ra tổ chức và cho vay nặng lãi. Nếu con bạc nào vay mà chậm hay cù cưa trả nợ sẽ bị nhóm này xử theo kiểu xã hội đen. Chúng hoạt động gần như công khai, kéo băng nhóm đi đòi nợ và tỏ ra bất chấp, xem thường chính quyền địa phương. “Nhóm này tuổi còn nhỏ, nhưng tụi nó rất hung hăng, chẳng xem ai ra gì. Cũng lạ thiệt, nó hoạt động mấy năm nay mà không thấy ai hỏi thăm”, một người dân ở xã Đức Hòa Thượng nói.

Tin cùng chuyên mục