Tết của hàng Việt

Trái với dự đoán của nhiều người, Tết Bính Thân 2016 hàng nội sẽ thất thế, thay vào đó hàng ngoại, đặc biệt là hàng Thái Lan sẽ có nhiều cơ hội chen chân, mở đầu cho trào lưu hàng ASEAN vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh hình thành cộng đồng kinh tế chung trong khu vực đã rất cận kề. Thực tế không hẳn là vậy, trong nhóm hàng bánh kẹo - nhóm mặt hàng đang được xem là có sức cạnh tranh mạnh nhất giữa hàng nội và hàng ngoại thì ngay từ cuối quý 3-2015, hầu hết các DN trong nước đã lên kế hoạch tăng sản lượng 10%-20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc mùa kinh doanh tết năm 2016, các DN cho biết, sản lượng các mặt hàng đều tăng trưởng rất tốt, không còn hàng tồn. Số liệu chúng tôi thống kê tại một số hệ thống siêu thị lớn của TP như Co.opmart, Maximark, Big C, Aeon, Citimart… bánh kẹo nội chiếm tỷ lệ 70% - 90%, với khoảng 500 mã hàng của gần cả trăm thương hiệu khác nhau. Lượng hàng được tiêu thụ mạnh nhất phải kể đến là Kinh Đô, Bibica, Phạm Nguyên, Hải Hà, Hải Châu... Đó là chưa kể các loại bánh kẹo đặc sản của các vùng, miền trong nước như bánh đậu xanh Hải Dương; kẹo dừa, kẹo chuối Bến Tre; mè xửng Huế; kẹo gương, mạch nha Quảng Ngãi; bánh đậu phộng, bánh mè, kẹo điều Yến Nhung… đã chiếm thị phần rất lớn.

Tết 2016, chúng tôi có dịp ăn tết tại Quảng Ngãi. Ấn tượng đầu tiên, đó là ý thức tiêu dùng của người dân được nâng lên rất cao. Tất cả các loại thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng bánh, mứt tết được người dân lựa chọn khá kỹ. Hàng hóa chi phối tại thị trường này không phải là các loại bánh kẹo có thương hiệu nổi tiếng, mà chủ yếu là các thương hiệu nhỏ nhưng phải là hàng Việt 100%. Ngay cả các loại thực phẩm tiêu dùng nhanh như dầu ăn, nước mắm… 100% sản phẩm là hàng Việt. Hàng thực phẩm của Trung Quốc không còn xuất hiện trên quầy kệ tại hầu hết các cửa hiệu tạp hóa.

Theo các nhà kinh doanh, đa phần khách chọn mua bánh sản xuất trong nước vì mức giá tốt, mẫu mã cải tiến, và quan trọng là có nhà sản xuất chịu trách nhiệm với sản phẩm. Trong khi đó, tại một số hệ thống siêu thị (chúng tôi không tiện nêu tên), vào những ngày cận tết đã dành những vị trí đẹp nhất, tổ chức các gian hàng bánh kẹo và giảm giá bán tới 30% đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu, trong đó chủ yếu là bánh kẹo có nguồn gốc từ Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Tương tự, với mặt hàng mứt tết, trong những  mùa tết gần đây, mứt ngoại đã bị loại khỏi thị trường Việt Nam, trong khi các sản phẩm mứt tết sản xuất truyền thống hoặc theo công nghệ hiện đại, hút chân không của các DN trong nước được người tiêu dùng tin tưởng chọn mua.

Trái cây nội cũng được các điểm bán ưu tiên lấy hàng và khách hàng chọn mua nhiều hơn. Vú sữa, xoài, thanh long, bưởi, mãng cầu ta,… là những mặt hàng bán chạy hơn hẳn các loại nho, táo, lê… nhập khẩu. Bởi người tiêu dùng sợ mua trái cây ngoại có dùng chất bảo quản, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, trong khi mua trái cây nội, ngon hơn, giá rẻ hơn và đảm bảo chất lượng. Theo thống kê của 3 chợ đầu mối là Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn, có 90% lượng trái cây cung ứng tết là nguồn hàng từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ; trái cây ngoại chỉ có một số mặt hàng như: táo, lê, nho, cam của Mỹ, Úc, Trung Quốc… chiếm khoảng 10% trên tổng lượng hàng. Ngay cả sản phẩm may mặc thời trang, hàng nội thường xuyên bị lép vế khi cạnh tranh với hàng nhập, nhất là từ Trung Quốc, thì dịp tết này đã cũng đã lấn sân hàng nhập khá tốt. Cụ thể ở chợ Bến Thành, theo ban quản lý chợ thì hơn 80% sản phẩm may mặc bày bán là hàng nội. Riêng trong dãy cửa hàng bao quanh chợ Bến Thành thì đến 98% là hàng của các công ty và cơ sở sản xuất trong nước.

Bên cạnh những nhóm hàng trong nước đang có sức vươn mạnh mẽ, còn có các nhóm hàng Việt gần như độc quyền chiếm lĩnh thị trường có thể kể đến như thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến, gạo, rau củ quả,… Hàng Việt làm được điều này không chỉ bởi Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu, nét đặc thù của hàng sản xuất tại chỗ có ưu thế giá tốt hơn, mà còn do chất lượng sản phẩm, thơm ngon và hợp khẩu vị, nhà sản xuất đã cố công đầu tư uy tín thương hiệu. Nhiều nhà cung cấp gạo như Mecofood, Foodcosa, Angimex, Gentraco, Phú Hải, Bảo Minh, Vinh Phát… đã khai thác tối đa lợi thế vùng miền của sản phẩm để tung mặt hàng gạo cao cấp, gạo đặc sản trong dịp tết. Long An có gạo Nàng Hương chợ Đào nổi tiếng, Tiền Giang bán gạo cao cấp của vùng đồng bằng sông Tiền như Chín con rồng vàng, Hồng hạc, Hoa mai vàng, Bông sen vàng, Thiên nga, được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, có máy tách màu gạo nên hình thức đẹp, không có tạp chất và thóc lẫn, có thể bảo quản lâu dài; Cần Thơ có gạo thơm Jasmine…

Với tỷ lệ áp đảo đến 98% thị phần, thực phẩm đông lạnh và chế biến với hơn 10.000 loại sản phẩm của khoảng 500 nhà cung cấp nổi tiếng như Vissan, Sargifood, Saigon Food, Cầu Tre, Agifish, APT, Minh Phú… Theo các siêu thị, doanh thu từ bán hàng nội cũng chiếm tỷ lệ tương đương với thị phần. Điểm qua các sản phẩm đang bày bán, có thể thấy các nhà sản xuất trong nước đã tận dụng các nguyên liệu từ tôm, cá, ốc, nước luộc thủy sản, rau củ, gạo, bắp… để cung cấp cho người tiêu dùng thực đơn món ăn tiện dụng như xôi hải sản chiên, lẩu, đặc sản nướng, kho, chả các loại, thực phẩm ăn liền,…

Có thể nói, việc hàng Việt đang chiếm đến 90% trong doanh thu bán hàng dịp tết ở các siêu thị trên địa bàn TPHCM đã khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm chinh phục sân nhà của các thương hiệu trong nước sau nhiều năm tập trung cho xuất khẩu. Đây cũng là thành quả của sự tổng lực, chung sức chung lòng của cả cộng đồng, từ các DN sản xuất, người tiêu dùng, nhà phân phối… cùng nỗ lực đưa hàng Việt lên vị thế mới, cạnh tranh tốt và phát triển bền vững.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục