Tết Quý Tỵ: Người trồng hoa lo ngại

Năm nay dù thời tiết, giá cả vật tư cho việc trồng hoa phục vụ ngày tết không thuận lợi, diện tích sản xuất hoa ở một số nơi có giảm nhưng tình hình sản xuất hoa tươi ở các nơi cho ngày Tết Quý Tỵ ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn ra rất khẩn trương.Chi phí tăng, sức mua giảm
Tết Quý Tỵ: Người trồng hoa lo ngại

Năm nay dù thời tiết, giá cả vật tư cho việc trồng hoa phục vụ ngày tết không thuận lợi, diện tích sản xuất hoa ở một số nơi có giảm nhưng tình hình sản xuất hoa tươi ở các nơi cho ngày Tết Quý Tỵ ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn ra rất khẩn trương.

Chi phí tăng, sức mua giảm

Theo dự báo, sản lượng hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 khoảng 625.000 chậu bonsai, kiểng cổ, 2,65 triệu chậu lan (tăng 9,5% so với cùng kỳ), 3,9 triệu cành lan (tăng 9,2% so với cùng kỳ), 7 triệu chậu hoa nền (tăng 5,2% so với cùng kỳ) và 1,5 triệu chậu mai.

Tại vùng hoa Chợ Lách (Bến Tre), việc chăm lo sản phẩm hoa tết vẫn tất bật. Thăm cơ sở kiểng thú của ông Năm (xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre), chủ vườn đang chăm sóc 15 cặp kiểng hình con rắn với chiều cao từ 1,5m trở lên để kịp giao cho khách trước tết. Kiểng thú là “đặc sản” của làng hoa kiểng Chợ Lách, thường lấy 12 hình con giáp thực hiện theo kiểu năm nào thì hình con nấy. Tết Quý Tỵ này, nhiều cặp kiểng thú hình rắn sẽ được tung ra thị trường, hy vọng được nhiều người chú ý.

Riêng huyện Chợ Lách, bà con nhà vườn chuẩn bị khoảng 5 triệu chậu kiểng các loại để đưa ra thị trường tết năm nay. Được biết ngoài các loại mai chủ lực, từ tháng 6 âm lịch đến nay, bà con nông dân trồng hoa huyện Chợ Lách xuống giống các loại cúc mâm xôi, cúc Hà Lan và hoa vạn thọ, mãn đình hồng… cho kịp tết. Riêng tại ấp An Hòa và ấp Hòa An (xã Long Thới), những địa phương sản xuất hoa với sản lượng lớn, trên 500 hộ trồng hoa cho thị trường tết với hơn 150.000 sản phẩm các loại.

Hội Sinh vật cảnh thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết, làng hoa Sa Đéc là nơi cung ứng nhiều cho thị trường hoa tết hàng năm với khoảng 2,5 triệu chậu hoa các loại. Hiện nhà vườn tại đây không dám đầu tư mạnh vì sợ sức tiêu thụ hoa ngày tết sẽ thấp do đợt nghỉ tết kéo dài, lượng hoa tết năm nay giảm khoảng 20% - 30% so với tết các năm. Tuy vậy nông dân sản xuất hoa kiểng tại đây chủ động chuyển hướng sản xuất sang làm hoa kiểng với giá cả vừa phải, phù hợp khả năng thanh toán của thị trường như kiểng tắc giá từ 30.000 - 40.000 đồng/chậu, hoa treo giàn 30.000 đồng/chậu, mai vàng khoảng 100.000 - 150.000 đồng/cây…. Những loại hoa kiểng đắt tiền từ 1 - 3 triệu đồng/cây trở lên đều hạn chế, tránh việc khó tiêu thụ.

Riêng tại Tiền Giang, theo Phòng Nông nghiệp TP Mỹ Tho, vụ hoa Tết Nguyên đán, làng hoa Mỹ Tho dự kiến trồng khoảng 800.000 giỏ hoa (tăng gần 100.000 giỏ hoa so với vụ hoa tết năm trước) với các loại như cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, cúc vàng hè, vạn thọ... Hiện đã trồng khoảng 100.000 giỏ cúc mâm xôi, 500.000 cây cúc Hà Lan và vàng hòe, cùng các loại hoa ngắn ngày khác.

Chăm sóc mai phục vụ thị trường tết tại vườn mai Sáu Hòa, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Ảnh: Kim Ngân

Chăm sóc mai phục vụ thị trường tết tại vườn mai Sáu Hòa, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Ảnh: Kim Ngân

Điều đáng lưu ý năm nay, chi phí sản xuất hoa tăng vọt khiến hiệu quả sản xuất vụ hoa tết này có nguy cơ ảnh hưởng. Ông Trương Văn Nhung, tổ trưởng Tổ hợp tác hoa kiểng xã Mỹ Phong cho biết, nếu so với vụ hoa tết 2012, phân bón tăng khoảng 10%, thuốc bảo vệ thực vật 20%, giá nhân công lao động cũng tăng khoảng 2.000 đồng/giờ… Theo tính toán, chi phí cần cho mỗi giỏ hoa năm nay tăng 3.000 đồng đến 5.000 đồng/giỏ. Thời tiết bất thường cũng là yếu tố nhiều rủi ro.

Đáng lo là việc sản xuất hoa ở nhiều nơi mở rộng, nhiều giống mới nhập vào cạnh tranh quyết liệt. Nhiều cở sở phản ảnh, từ đầu năm đến nay sức mua hoa kiểng giảm gần 50%. Nhiều loại cây chỉ còn lời khoảng 500 đồng/giỏ nhưng không có đơn đặt hàng nên bà con không dám đầu tư cho hoa tết, diện tích trồng hoa tết có nơi giảm 20-30% so với năm trước. Do khó khăn chung của tình hình kinh tế, dự báo nhu cầu tiêu thụ hoa, cây kiểng tết tại TPHCM sẽ không tăng so với cùng kỳ.

Nhiều hội chợ, chợ hoa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, diện tích trồng hoa, cây kiểng phục vụ Tết Quý Tỵ khoảng 1.211ha, tăng 3,3% so với cùng kỳ, tập trung vào hoa nền, hoa lan, bonsai và cây kiểng. Diện tích bonsai, cây kiểng ước khoảng 363ha, tăng khoảng 20ha (5,6%) so với tết năm 2012.

Địa bàn sản xuất cây kiểng, bon sai tập trung ở quận 12, Gò Vấp và huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. Diện tích hoa lan ước khoảng 200ha, tăng khoảng 10,6ha so với Tết Nguyên đán năm 2012, tập trung vào hai giống Mokara và Dendrobium. Địa bàn sản xuất tập trung tại các huyện và quận ven như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức. Diện tích hoa nền như cúc, vạn thọ, sống đời, mồng gà, mãn đình hồng, thược dược, hướng dương, thiên nga khoảng 165ha, tăng 14,4ha. Nhưng diện tích trồng mai không tăng, khoảng 485ha (tương đương Tết nguyên đán 2012), tập trung ở quận Thủ Đức, quận 9, 12, huyện Bình Chánh và Củ Chi.

Để việc tiêu thụ được thuận lợi, các ngành tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân sản xuất, hợp tác và tiêu thụ hoa kiểng trong dịp Tết Quý Tỵ 2013; tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ nông dân, các nghệ nhân trồng hoa, cây kiểng tham gia trong các hội chợ, hội hoa xuân Tết Quý Tỵ 2013; cung cấp kịp thời thông tin về thị trường tiêu thụ cho người sản xuất hoa, cây kiểng; hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết bất thường, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng hoa, cây kiểng.

Ngành nông nghiệp đề xuất giải pháp hỗ trợ 6 hợp tác xã: HTX Hoa kiểng Gò Vấp (Gò Vấp), HTX Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức), HTX Ngọc Tú (Hóc Môn), HTX Đại Lộc (Bình Chánh), HTX Nông nghiệp Đồng Phú (quận 2), HTX Hoa Lan Đất Việt (Củ Chi) và 28 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa, cây kiểng…  

ĐẶNG VĂN THÀNH

Tin cùng chuyên mục