“Tết rồi, về chưa?”

“Tết rồi, về chưa?”

“Tết rồi, về chưa?”. ừ, thì về. Mười lăm, hai mươi, rồi hai lăm tháng chạp, con đường thiên lý Bắc - Nam bỗng cựa mình, sôi lên, rầm rập từng đoàn xe, hối hả những chuyến tàu. Bắt tay, níu kéo, vẫy chào... những cuộc chia tay mà nỗi buồn không át được niềm vui - bởi người ở về; mà người đi cũng lại... về!

“Tết rồi, về chưa?” ảnh 1

Kỳ lạ thay quê hương. Quen thân đấy mà cũng lạ lẫm một đời. Quê hương không nhất thiết phải là “cánh diều, cây đa, con đò, bến nước”, quê hương có thể chỉ là một xóm nghèo quanh năm gió Lào cát cháy, quê hương cũng có thể là đô thị phồn hoa hay phố chợ xưa cũ. Quê hương chính là Người, cái phần Người đích thực trong mỗi con người. Phần Người ấy hồn nhiên, thơ dại, thánh thiện, nguyên sơ. Nó lớn bởi vì nó nhỏ. Nó nói những điều không nói - như ánh mắt người yêu, như vòng tay của mẹ. Nó cột níu bằng sợi dây vô hình, gào lên tự sâu thẳm tâm linh những đứa con trong buổi chiều cuối năm: Về đi con, về với cội nguồn, ấu thơ, về với chính mình...

Phải, về quê hương là về với chính mình. Cái Tết thiêng liêng chính là cơ hội cho triệu triệu người Việt có cơ may về với chính mình. Quê người - dẫu no đủ, thừa mứa, giàu sang tới đâu - vẫn chỉ là đất khách. Có đốt đèn dầu, có nằm chiếu lác, có dưa muối tương cà hễ nói “ăn Tết” là phải về quê. Nếu Tết không về, Tết không còn Tết, người Việt không còn là người Việt và cái nguy cơ vong bản sẽ chẳng xa.

“…Hỡi em yêu dấu quê hương/ Mai anh dù ở mười phương cũng về”. Tiếng ca ấy vọng từ bên kia bờ đại dương. Tiếng ca như tiếng lòng thổn thức của những đứa con xa chiều cuối năm ngậm ngùi mơ về cố xứ. Đêm ba mươi - trong cái rét kinh người của Paris, London, New York, Moscow - có bao nhiêu người con đất Việt đang “lê bước chân phong trần tha phương” mà tự hỏi “có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà”.

Phải, quê hương mới gọi là nhà, đích thực là nhà. Chỉ một mùa xuân tha hương đủ để vị nhạc sĩ tài hoa đem tiếng lòng phổ thành giai điệu “Đêm đông” bất hủ. Nỗi riêng hóa niềm chung. Chuyện một ngày, lạ lùng thay, dư âm cứ “lơ lửng với ngàn sau” thành chuyện của muôn đời.

Dù không thể về, dù chưa thể về nhưng đêm trừ tịch, phút giao thừa đứa con còn đau đáu thiết tha, còn nhớ nhung thổn thức - tức thị nó đã về. Về bằng tâm tưởng, bằng hoài niệm, yêu thương. “Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi...”. Phải, dẫu cũ kỹ quê mùa vẫn là mẹ. Dẫu nghèo nàn, lam lũ vẫn là quê hương. “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người...”. “Tết rồi, về chưa?...”.

Y Nguyên

Tin cùng chuyên mục