Tết sớm ở U Minh Hạ

Tết sớm ở U Minh Hạ

Những ngày đầu tháng 2-2015, không khí đón tết đã bắt đầu nhộn nhịp tại các phố phường, đô thị. Chúng tôi ngược về vùng đất U Minh Hạ, một trong những cánh rừng nổi tiếng ở ĐBSCL để tìm hiểu những cư dân dưới tán rừng tràm đã chuẩn bị gì cho ngày Tết Ất Mùi sắp tới.

Vui vì ăn tết có điện

Điểm chúng tôi chọn đến đầu tiên là xã Khánh Thuận (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh. Lần trở lại này, xã Khánh Thuận có nhiều thay đổi. Khánh Thuận hôm nay đã chuyển mình, có đường ô tô đến trung tâm xã, đường liên ấp nhiều tuyến được bê tông hóa. Trên chiếc xe gắn máy chạy xuyên qua các khu dân cư, dễ nhận thấy nhiều cánh rừng phủ xanh bạt ngàn phía sau nhà cư dân...

Đi dọc theo bờ kênh 12, chúng tôi gặp lão nông Ba Vinh (Nguyễn Văn Vinh, 76 tuổi) đang nằm trên võng trước cửa nhà nhìn ra bờ sông. Thấy khách lạ bước vào, ông Ba Vinh ngồi bật dậy niềm nở chào khách rồi kêu vợ pha bình trà. Qua câu chuyện, chúng tôi hỏi gia chủ đã chuẩn bị gì cho tết? Vợ ông Vinh (bà Ngô Thị Trinh, ngồi bên cạnh) vọt miệng nói: “Chưa chú ơi, ruộng ngoài đồng chưa thu hoạch lấy gì chuẩn bị tết. Cuộc sống gia đình chưa được sung túc nên tôi ăn tết đơn giản và gọn nhẹ”. Theo bà Trinh, tết này, gia đình chủ yếu mua mâm ngũ quả cúng ông bà và mua một ít bánh mứt đãi khách. Còn thức ăn ngày tết là cá đồng (gồm cá lóc, cá trê và cá sặc rằn) nuôi dưới ao; trong khi gà, vịt gia đình cũng tự nuôi lấy. Gia đình chỉ bỏ tiền ra mua sắm thêm chút đỉnh, một cái tết thật tiết kiệm.

Khác với vẻ đạm bạc nhà ông Ba Vinh, nhiều gia đình dưới tán rừng U Minh Hạ năm nay ăn tết sung túc vì trúng giá cây keo lai và tràm. Ông Võ Văn Kiển (xã Khánh Thuận) cho biết, lần này đón cái tết “dễ thở” hơn. “Tôi mới bán 3ha tràm được 124 triệu đồng, trừ ra hợp đồng “ăn chia”, tôi còn hơn 100 triệu đồng. Số tiền này, một phần tôi thuê xáng vào múc kê liếp trồng keo lai và tràm; phần còn lại tôi dùng để chi tiêu trong gia đình. Từ ngày nhận giao khoán đất rừng đến nay, chưa lần nào tôi được ăn cái tết đúng nghĩa như lần này”, ông Kiển hớn hở.

Người dân sống dưới tán rừng U Minh Hạ đón cái tết lần đầu tiên có ánh điện.

Trong khi đó, nhiều người dân sống ở các tuyến kênh 33 và 31 cũng đang vui như tết. Cái vui của bà con là lần đầu tiên sau gần 24 năm nhận đất giao khoán, hôm nay họ mới thoát cảnh đèn dầu. Khi nghe chúng tôi hỏi về “sự kiện” này, ông Tư Tẩn (Nguyễn Đình Tẩn, ấp 12, xã Nguyễn Phích) không giấu được sung sướng, nói: “Tôi năm nay đã 80 tuổi, nhưng lâu lắm rồi mới được đón tết trong ngôi nhà có ánh sáng của đèn điện. Trước đây tôi sống ở tỉnh Quảng Nam, sau 1954 tôi vào Cà Mau sinh sống, tới năm 1991, được nhận đất giao khoán nơi đây. Thú thật khi vào sống trong rừng U Minh, mấy chục năm qua tôi chỉ dùng đèn dầu. Việc có điện là một sự kiện lớn”.

Nỗ lực giảm nghèo

Để có cuộc sống dễ thở như hôm nay, cư dân sống dưới tán rừng tràm hơn 20 năm qua đã đổ nhiều công sức với vùng đất “muỗi kêu như sáo thổi” này. Nhiều hộ khi nhận đất nơi đây không cầm cự nổi đã phải sang bán đi nơi khác. Nhớ lại những ngày gian khó, ông Tư Tẩn ngậm ngùi: “Tôi vào nhận đất từ năm 1991 và bám trụ lại cho đến bây giờ. Buổi đầu nghe nói nhận đất rừng U Minh ai cũng háo hức vì đây là vùng đất giàu sản vật, nhiều cá đồng. Tuy nhiên, khi vào nhận đất thì gặp muôn vàn khó khăn. Đất không được bao thành khu khép kín, nên không thể đào ao đìa làm nơi cho cá trú ngụ vào mùa khô được. Đất lại nhiều phèn và đầy cỏ dại nên khi cấy lúa bị cỏ lấn hết, nếu sống sót tới khi lúa chín cũng bị chuột phá. Những năm đầu làm ruộng, tôi không thu hoạch được bao nhiêu, mà chỉ mót từng bông lúa để ăn, còn tràm thì rớt giá triền miên khiến dân gặp khó…”.

Đó là chuyện của ngày trước, còn bây giờ những cư dân sống dưới tán rừng tràm U Minh Hạ không còn nghèo rớt mồng tơi. Cuộc sống của bà con đã dần được cải thiện, nhiều hộ đã bắt đầu thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Bên ly trà tiếp chuyện với chúng tôi, ông Ba Vinh bật mí: “Gia đình tôi đã thoát nghèo được 2 năm. Tôi rất trông vào vụ khai thác tràm sắp tới sẽ giúp kinh tế gia đình khấm khá hơn. 5ha tràm đã đề nghị cơ quan chủ quản (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ) cho khai thác trong năm 2015, bởi đã tới kỳ thu hoạch. Chắc ăn tết xong tôi mới xuống búa (khai thác). Hiện cây tràm đã có giá trở lại, trên 40 triệu đồng/ha. Vì vậy, khi khai thác thì sẽ dành một phần tiền để trả nợ ngân hàng, phần còn lại tái đầu tư cho vụ sau…”.

Ông Nguyễn Minh Lắm, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, nhìn nhận: “So với nhiều nơi khác bên ngoài thì người dân sống trong các lâm phần ở rừng tràm U Minh Hạ vẫn còn là “túi nghèo”. Xã được thành lập tháng 8-2009, vào thời điểm này có đến 49% là hộ nghèo. Vì vậy, những ngày tết khi phát quà, dân đứng đông nghẹt cả trụ sở UBND xã. Từ khi được thành lập, chúng tôi xác định nhiệm vụ hàng đầu là công tác giảm nghèo. Khoảng 6 năm qua, nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp giúp nhiều hộ giảm nghèo ngoạn mục, nhờ đó mà tỷ lệ hộ nghèo kéo xuống còn khoảng 17%. Tới đây, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, giúp bà con vươn lên khá giả để họ an tâm bám rừng…”.

Một trong những giải pháp thoát nghèo là nâng cao giá trị cây tràm và cây keo lai, bởi đây là kinh tế chủ lực của cư dân sống dưới tán rừng. Điều khá lạc quan là hơn 2 năm trở lại đây giá cây tràm đã được cải thiện rất nhiều so với trước, nên người dân tích cực đầu tư chăm sóc cây tràm. Đặc biệt, hiện nay cư dân U Minh Hạ đang đẩy mạnh trồng cây keo lai. Keo lai trồng khoảng 5 năm thì khai thác, giá khoảng 150 triệu đồng/ha (cao từ 3-5 lần so với cây tràm). Tuy nhiên, việc trồng keo lai cần vốn lớn để đầu tư lên liếp, giống… trong khi nhiều cư dân không đủ vốn để đầu tư. Đây là một trở ngại cho việc trồng rừng phát triển kinh tế.

NGỌC CHÁNH

Tin cùng chuyên mục