Dù ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lớn hoành hành… nhưng cả 3 vụ lúa trong năm 2011, nông dân ĐBSCL trúng mùa - được giá, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, sau 1 năm triển khai mô hình “cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) đã cho hiệu quả rất cao, tổ chức lại sản xuất theo hướng mới: giảm giá thành, tăng thu nhập cho người nông dân, nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo…
Nông dân lợi lớn
Những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, chúng tôi về xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, nơi đầu tiên ở ĐBSCL xây dựng CĐML rộng hơn 1.000ha. Nông dân rất phấn khởi chăm sóc cánh đồng lúa đông-xuân tươi tốt, đồng thời sửa sang nhà cửa khang trang để chuẩn bị đón tết.
Đang cùng cán bộ nông nghiệp thăm đồng lúa đề phòng dịch hại phát sinh trong dịp tết, nông dân Nguyễn Văn Cường ở xã Vĩnh Bình phấn khởi nói: “Nhà tôi có 1ha lúa, liên tiếp tham gia mô hình CĐML từ vụ đông-xuân 2010 và 2011 tới nay nên cả 3 vụ lúa vừa qua đều trúng mùa, trúng giá, đặc biệt đầu ra rất đảm bảo nhờ được doanh nghiệp bao tiêu”.
Theo ông Cường, có 3 cái lợi từ mô hình này là chi phí sản xuất giảm khoảng 3 triệu đồng/ha/vụ; tiếp cận quy trình sản xuất mang tính bền vững, kỹ thuật cao và đặc biệt là xóa điệp khúc trúng mùa rớt giá.
Ông Nguyễn Hữu Tân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình, cho biết năm nay nhờ lúa được mùa, được giá nên nông dân vùng tứ giác Long Xuyên đón tết rôm rả lắm. Trong đó, 700 hộ tham gia mô hình CĐML thắng lớn. Có thể nói, sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, thu nhập cao, ngoài việc xây dựng nhà cửa khang trang, người dân còn tích cực tham gia cùng Nhà nước chăm lo cho người nghèo, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn mới ngày thêm hiện đại.
Trong năm đầu tiên phát động mô hình CĐML, toàn vùng ĐBSCL có hơn 6.400 hộ tham gia trên diện tích 7.800ha, kết quả đạt được rất khả quan. Điển hình như các hộ dân ở xã Vĩnh Bình đạt lợi nhuận hơn 150%; còn mô hình CĐML ở Đồng Tháp đạt năng suất bình quân 6 - 7 tấn/ha, lợi nhuận 20 - 30 triệu đồng/ha. Tại Trà Vinh, vụ hè-thu vừa qua nông dân xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần sản xuất theo mô hình CĐML, chi phí giá thành chưa tới 2.100 đồng/kg, thấp hơn bên ngoài gần 900 đồng/kg…
Thạc sĩ Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang nhìn nhận, hầu hết người dân tham gia CĐML đều thắng đậm nên tết năm nay nhà nào cũng rộn rã đón xuân. Thấy nông dân được mùa, có tiền mua sắm tết sung túc… dân trong ngành nông nghiệp cũng vui lây.
Sản xuất lúa gạo bền vững
Năm 2012, ngành nông nghiệp các tỉnh thành ĐBSCL mở rộng mô hình CĐML lên 20.000 - 30.000ha; mục tiêu năm 2013 là 100.000ha, sau đó nâng lên 500.000ha… gắn với xây dựng nông thôn mới.
Sau thành công của CĐML tại xã Vĩnh Bình (An Giang), Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang xây dựng thêm 3 cụm chế biến lúa gạo xuất khẩu ở huyện Thoại Sơn (An Giang), Vĩnh Hưng (Long An) và Tân Hồng (Đồng Tháp). Mỗi cụm gồm kho chứa, nhà máy có công suất xay xát 200.000 tấn lúa/năm, hệ thống sấy công suất 1.000 tấn lúa/ngày và xây dựng vùng nguyên liệu tập trung 2.500ha.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, cho biết: “Từ nay đến năm 2020, chúng tôi sẽ phát triển thêm 6 nhà máy với tổng công suất chế biến 1 triệu tấn lúa/năm và xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu lên 100.000ha”.
Tại TP Cần Thơ, vụ đông-xuân này đã mở rộng đến 7 CĐML với tổng diện tích hơn 1.700ha tại các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ và quận Thốt Nốt. Các CĐML sẽ áp dụng liên kết như doanh nghiệp cung ứng giống lúa đầu vào, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu đầu ra để nông dân an tâm sản xuất.
Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, từ hiệu quả CĐML 480ha trong năm 2011, vụ đông-xuân này mở rộng lên 1.300ha. Điều đáng mừng, không chỉ ngành nông nghiệp mà người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương… cũng háo hức với cách làm ăn mới của CĐML.
Một mùa xuân mới đang về, trên những CĐML gương mặt của nhiều nông dân ĐBSCL rạng ngời, tự tin, chủ động hơn. Hướng sản xuất lúa gạo bền vững đang mở ra, khẳng định vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Bình Đại - Cao Phong