TPHCM những ngày cuối năm, người, xe tấp nập, dường như ai cũng vội vã. Như mọi năm, thành phố được khoác lên mình chiếc áo mới, ngày càng đẹp hơn. Đó đây nhiều con đường đã được giăng đèn, kết hoa chuẩn bị cho lễ hội tết cổ truyền của dân tộc.
Đi trên đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Lê Duẩn những ngày này, dễ bắt gặp những hình ảnh rộn ràng, đông vui của những người thợ đang chăm sóc, bảo trì đèn hoa, cổng chào… Tết đang đến rất gần. Với nhiều người, tết là dịp để gia đình sum họp nhưng với những ai đã chọn con đường phục vụ nghệ thuật thì những ngày lễ tết lại là những ngày phải xa gia đình…
Nghĩ mà thương lắm đồng nghiệp tôi, những người mà lâu lắm rồi không ở nhà đón tết với gia đình. Đó là các anh, chị Đức Thế, Trí Hùng, Thanh Phương, Thành Long, Thùy Trang, Bửu Phùng, Vinh Thao… Ngày tết phải xa TPHCM đi phục vụ biểu diễn múa rối ở Gia Lai, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang… Có anh chị là vợ chồng cùng nghề, ngày tết phải gửi con về nội, ngoại để rồi sau tết mới được nghỉ bù, vội vã về quê thăm ông bà, cha mẹ, đón con về ăn tết muộn.
Ăn tết xa nhà mới thấy tình đồng nghiệp thật ấm áp, chiều 30 Tết đi chợ mua gà, quà bánh đem theo, mỗi người góp một ít, đêm giao thừa cả đội ngồi bên nhau chuyện trò, chúc tết, lì xì…
Nhớ lần biểu diễn ở Gia Lai trong cái lạnh căm căm của phố núi, nét đặc sắc của rối nước là lấy mặt nước ao hồ làm sân khấu, lạnh run cả người, anh em vẫn phải ngâm mình dưới nước biểu diễn. Lần diễn ở Kiên Giang nắng chói chang, ăn uống quanh đi quẩn lại chỉ có cơm, cháo, đi diễn về đã 23, 24 giờ đêm, không còn ai buôn bán gì, vậy là 8 anh em ngồi quanh nồi mì ăn liền, chia nhau chút tình cảm xa nhà trong không khí tết, chợt thấy tủi thân, lại cảm thông nhiều hơn với đồng nghiệp…
Rối nước cực nhọc, rối cạn cũng vất vả không kém. Để phục vụ lễ hội đường phố, các anh chị diễn viên phải hóa thân vào những chú rối lùn ngộ nghĩnh: heo, gà, chuột, ông Phúc, ông Lộc, ông Thọ… diễu hành dọc theo đường hoa Nguyễn Huệ, cùng khán giả chụp ảnh lưu niệm. Có lẽ, số đông khán giả không thể hiểu và chia sẻ được nỗi vất vả của diễn viên rối nóng nực đến nỗi mồ hôi ướt đẫm người, đầu tóc căng thẳng…
Thế mà một số du khách dạo xuân lại lấy việc lôi kéo, ngắt, nhéo, giật đuôi, thậm chí đánh những chú rối làm trò vui mà không ngờ rằng sau đó, có những anh chị diễn viên về nhà với nhiều vết trầy xước trên trán, mặt…
Cực nhọc là thế, vất vả là thế nhưng người diễn viên múa rối luôn cảm nhận được niềm vui khi loại hình nghệ thuật của mình được khán giả yêu thích.
Xuân mới lại đến rồi, gần thật gần, vậy là lại có thêm một cái tết xa nhà, xa TPHCM thân thương.
THANH TRANG