Mặc dù là một nước nông nghiệp, có nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, mang lại giá trị kim ngạch khá cao nhưng do sản xuất thủ công, manh mún nên chúng ta đang tỏ ra yếu kém trong việc kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu, thời gian gần đây liên tục có các lô hàng nông sản bị trả về. Trong khi đó, nông sản nhập khẩu cũng đang làm nhiều người dân lo lắng vì không có một hàng rào đủ mạnh để kiểm soát về chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thả nổi hàng nhập khẩu
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT), bên cạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực ra các nước, hiện nay chúng ta vẫn đang phải nhập khá nhiều mặt hàng cũng như nguyên liệu nông sản vào nội địa. Thế nhưng, càng ngày chất lượng vệ sinh an toàn đối với nông sản nhập khẩu càng trở nên báo động.
Thực ra đây không còn là chuyện mới. Từ lâu, người dân đã phải đối mặt với hiện tượng cam quýt Trung Quốc mua về để nửa tháng không bị hỏng hoặc bên ngoài vẫn tươi nhưng ruột bên trong đã thối. Đặc biệt, nhiều người vẫn còn hồ nghi về các loại thịt và rau quả nhập khẩu, trong đó có cả hàng nông sản lậu như gia cầm, có chứa thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép, nhiều vụ thịt thối nhập lậu đã bị phát hiện.
Sau mỗi lần rộ lên thông tin như vậy, Bộ NN-PTNT đều vào cuộc, giúp người dân yên tâm tin tưởng hơn về vai trò kiểm soát của các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo một thị trường nông sản “sạch”. Song điều khó hiểu là sau mỗi lần thu thập mẫu để kiểm tra, phân tích chỉ tiêu các hóa chất độc hại thì kết luận của phía cơ quan chức năng lại đều... vẫn đảm bảo an toàn. Điều đó làm người tiêu dùng không khỏi hồ nghi về độ chính xác của các kết luận.
Mới đây, khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, trả lời rằng: “Kết quả kiểm tra chất bảo quản trên nông sản không phát hiện bất thường. Các đoàn kiểm tra đã đi kiểm tra tại một số nước xuất khẩu rau, quả vào Việt Nam cho thấy, nông dân nước họ vẫn sản xuất rau quả theo quy trình thông thường, rau quả cũng được họ sử dụng bình thường”.
Câu trả lời của ông Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật không thuyết phục, bởi rõ ràng việc sử dụng chất bảo quản trong các loại nông sản nhập khẩu là có. Nhưng do chúng ta chưa trang bị được một hàng rào kỹ thuật đủ mạnh nên chưa thể tìm ra các hoạt chất bảo quản sử dụng trên rau, quả nhập khẩu. Bởi theo các nhà khoa học, để kiểm tra được một hoạt chất có trên rau quả thì thứ nhất phải biết được đó là hoạt chất nào, thứ hai, phải có thuốc thử mới phân tích được.
Cho tới thời điểm hiện tại, khả năng của chúng ta mới chỉ có thể “test” được khoảng hơn 30 hoạt chất, trong khi các thành phần có thể được sử dụng trên rau quả lên tới hàng trăm danh mục khác nhau.
Nhận thức được khó khăn này, từ nhiều năm nay, các cơ quan của Bộ NN-PTNT như Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã đề xuất xây dựng các phòng kiểm nghiệm ngay tại cửa khẩu, thậm chí trang bị các bộ “test” nhanh, nhưng cho tới nay vẫn chưa triển khai được, trong khi an toàn thực phẩm là vấn đề liên quan tới sức khỏe của hàng triệu người.
Theo Thứ tưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, để kiểm soát chất lượng vệ sinh nông sản thì phải kiểm soát chặt ngay từ cửa khẩu. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay khâu kiểm soát an toàn nông sản ở các cửa khẩu vẫn chỉ dừng lại ở việc kiểm tra dịch hại, xem loại dịch hại cây trồng nào có thể gây nguy hại cho sản xuất nông nghiệp sau khi nhập khẩu, chứ chưa có một giải pháp kỹ thuật đủ mạnh để kiểm tra về an toàn thực phẩm, đặc biệt là các hóa chất gây hại cho sức khỏe.
Chưa kể tình trạng nông sản nhập lậu ngày càng nóng bỏng và hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Cảnh báo hàng xuất khẩu
Trong khi nông sản nhập vào nội địa còn đang thả nổi thì trong thời gian gần đây, chúng ta lại đang đối mặt với tình trạng nhiều lô nông sản xuất khẩu bị nước nhập khẩu trả lại, gây ảnh hưởng tới uy tín của hàng nông sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thừa nhận, gần đây nhất là tại thị trường EU, đã có tới 3 lô hàng rau thơm của các doanh nghiệp Việt Nam xuất sang EU bị trả lại. Nguyên nhân là do trong các lô hàng này có chứa 4 loại dịch hại mà EU cấm. Sau khi nhận được cảnh báo, từ tháng 8-2011, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức họp khẩn với 60 doanh nghiệp.
Trong đó đã thông báo rõ cảnh báo của phía EU là chỉ cần phát hiện thêm 5 lô hàng có chứa 4 loại dịch hại bao gồm bọ trĩ, bọ phấn, giòi đục lá và vi khuẩn xanthomonas campestris gây sẹo cam quýt trong khoảng thời gian từ 15-1-2012 đến 15-1-2013 thì EU sẽ cấm cửa vĩnh viễn hàng nông sản của Việt Nam xuất sang EU. Vậy mà từ đầu năm tới nay, vẫn có 3 lô hàng xuất khẩu bằng đường hàng không sang Anh vi phạm.
Trước tình hình đáng báo động, Cục Bảo vệ thực vật đã thành lập ngay một đoàn thanh tra để kiểm tra lại toàn bộ quá trình kiểm dịch thực vật đối với nông sản xuất khẩu, nắm rõ các vi phạm như hiện nay là do cán bộ kiểm dịch tại các cửa khẩu làm chưa hết trách nhiệm, hay do trình độ kỹ thuật của chúng ta kém hay do doanh nghiệp vi phạm hoặc những lý do khác nữa.
Bên cạnh ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh nông sản xuất khẩu, giữ vững uy tín nông sản Việt Nam, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, Bộ NN-PTNT đang tăng cường xây dựng hàng rào kiểm dịch để quản thật chặt hoạt động kiểm dịch đối với cả nông sản nhập khẩu và xuất khẩu. Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng đang soạn thảo một dự thảo thông tư về các điều kiện xuất khẩu rau quả sang thị trường EU.
| |
Phúc Văn