Thác lác Hậu Giang lên hương

Vỡ nợ cá tra thành “vua thác lác”
Thác lác Hậu Giang lên hương

Nếu không có gì thay đổi, đến tháng 9-2007, Hậu Giang sẽ có tên miền đăng ký: cá thác lác Hậu Giang. Sau gần 4 năm tách tỉnh, cá thác lác Hậu Giang đã vang danh miền Tây. Tại thị xã Vị Thanh người ta đã chế ra 7 món ăn độc chiêu từ cá thác lác để khách thập phương thưởng thức.

Vỡ nợ cá tra thành “vua thác lác”

Thác lác Hậu Giang lên hương ảnh 1

Tám Dũng –người làm nên thương hiệu cá thác lác Hậu Giang. Ảnh: Cao Phong

Sau vụ “sụp đổ” từ 25.000 con cá tra hồi năm 2001, thua lỗ nặng do giá cá rớt thê thảm, người ta gọi anh Lê Văn Dũng, dân miệt Tám Ngàn là gã “ngông”: lấy vốn liếng còn lại chơi sang, đi ẩm thực liên tục ở các nhà hàng. Mấy tháng sau chạy khắp chợ quê mua cá thác lác với bất cứ giá nào, anh đã gầy nên trang trại nuôi cá thác lác, để rồi 3 năm sau dân miền Tây tặc lưỡi tôn vinh anh là “vua thác lác”.

Anh Dũng hiện đang sở hữu 15.000 con cá thác lác bố mẹ độc nhất vô nhị ở vùng Tây Sông Hậu. Người đàn ông 43 tuổi ốm nhách, đen nhẻm, đã từng mất ăn, mất ngủ để nghĩ cách nuôi con gì mà chưa ai nuôi, đưa ra thị trường không bị bắt chẹt!? Anh rong ruổi ở các nhà hàng để khảo sát thực đơn ưa thích của khách. Món cá thác lác muối sả chiên gần như có mặt mọi nơi. Rời nhà hàng, Tám Dũng lại rong ruổi đến các chợ quê để mua cá thác lác tự nhiên. Nghe ở đâu có con nặng 1 kg, anh tìm mua ngay. Nhiều nông dân nói Tám Dũng chơi sang, dám mua cá thác lác giá 100.000đ/kg để nhậu. Nhưng anh mua đâu để nhậu. Anh cưng chúng như trứng mỏng. Khổ nỗi, cứ 10 con đem về vỗ béo lại chết 4 con. Mất 2 năm, số lượng cá thác lác bố mẹ anh nuôi vỗ có 15 con, trong đó có 3 con kiểng mà anh nài nỉ mua giá 400.000đồng/kg. Song trong số này chỉ có 3 con lên trứng. Mẻ cá đầu tiên chỉ vỏn vẹn ra đời 1.500 con! Anh quyết định mướn xe đào thêm 4 vuông nuôi cá trên diện tích gần 10.000 m² đất vườn. Anh vỗ béo cá con và giờ đây chúng là thế hệ F.3, chủ lực trong số 6.500 con cá thác lác bố mẹ trong 5 vuông nuôi, khoảng 15 tấn.

Tám Dũng cho biết: “Nuôi cá thác lác cực nhất là lúc chúng đẻ, chẳng khác gì heo nái trở dạ, phải túc trực thường xuyên”. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, Tám Dũng cắt luôn túi tinh cá đực, khiến chúng thành “hoạn” và sau đó biến thành món cá thác lác chiên phục vụ khoái khẩu hàng ngày trong bữa cơm gia đình. Sau tự mò mẫm, anh chỉ cắt 1/3 túi tinh. Cá thác lác đực bị thiến, nhưng vẫn làm tốt chức năng giống đực cho mùa sau. Giờ con cá đầu đàn được xem là “khai thủy công thần” đã nặng 6 ký; số còn lại tròn trèm 3-4 ký. Cá thác lác chỉ lên trứng khi mùa mưa đông ken. Cứ 1 ký cá bố mẹ, chúng cho khoảng 1.200 trứng, tỉ lệ đậu khoảng 900 con giống. 3 năm qua, Tám Dũng đạt doanh thu trên 2 tỉ đồng/năm từ tiền bán con giống.

Mở hướng làm ăn mới

Thác lác Hậu Giang lên hương ảnh 2

Thu hoạch cá thác lác.

Kỹ sư Nguyễn Văn Vui, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cho biết: từ 2.000m² nay diện tích nuôi cá thác lác trong huyện đã nhảy lên 100.000m². Đây là bước khởi đầu đáng khích lệ, tạo tiền đề cho huyện thực hiện dự án nuôi 200 ha cá thác lác thương phẩm từ nay đến năm 2010. Điều cốt yếu là phải có sự liên kết “bốn nhà” để có đầu ra ổn định. Nông dân và doanh nghiệp không thể cứ làm ăn mãi theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Đó chính là thách thức lớn cho việc mở rộng diện tích nuôi cá thác lác thương phẩm ở Hậu Giang.

Cuối năm 2006, một tin vui, hay nói đúng hơn một bước ngoặt mới đã mở ra cho Hậu Giang khi CTCP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (COIMEX) đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho trại giống cá thác lác ở xã Thạnh Hòa, Phụng Hiệp. Doanh nghiệp này đã cung cấp hơn 1,2 tỷ con cá cho ĐBSCL và Đồng Nai. 60% khách hàng là các hộ dân ở Phụng Hiệp, Long Mỹ… Trong đó, “chủ xị” là Hai Kháng (Lê Văn Kháng) -thành viên trong HĐQT COIMEX, một người quê tại Thạnh Hòa, Phụng Hiệp. Hai Kháng cho biết năm 2006, COIMEX xuất khẩu đạt doanh số gần 10 triệu USD từ mặt hàng chả cá. Do vậy, Hai Kháng đã trực tiếp ký kết hợp đồng bao tiêu với những hộ dân nuôi cá ở Phụng Hiệp. Giá bao tiêu thấp nhất là 25.000đ/kg. Nếu giá thị trường cao hơn nông dân có quyền bán cho ai cũng được. Mức giá này chưa phải là cao, song nếu người dân nuôi đạt kỹ thuật vẫn lời 5.000đồng/kg và yên tâm vì có đầu ra. Chả cá của COIMEX đã có mặt ở thị trường châu Á. Với việc ký kết hợp đồng bao tiêu cá thác lác với nông dân Hậu Giang, COIMEX đang mở rộng thị trường xuất khẩu tại Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Nga.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cái được lớn nhất là thương hiệu cá thác lác Hậu Giang đã được người tiêu dùng ở ĐBSCL và TPHCM chấp nhận. Tỉnh đang chuẩn bị triển khai dự án nuôi 300 ha thâm canh cá thác lác, trong đó sẽ đầu tư 4 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi. Điều đáng mừng là các cơ sở giống của tỉnh đã sản xuất trên 10 triệu con giống cá thác lác. Đây là tiền đề để nông dân Hậu Giang chung tay làm giàu từ nuôi cá thác lác thương phẩm. Người dân ở thị xã Vị Thanh đã chế biến từ cá thác lác thành 7 món ăn. Chúng đã tạo nên một phần “hồn ẩm thực” rất dân dã, rất gần gũi với người miền Tây. Nếu có dịp về Vị Thanh, bạn đừng quên món cá thác lác muối sả chiên ăn kèm với canh đọt chạy hấp dẫn...

Cao Phong

Tin cùng chuyên mục