Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Chuyện đời, chuyện nghề

Cuộc trò chuyện với chúng tôi thường xuyên bị gián đoạn bởi chị phải liên tục truyền đạt “ý ông trời”. Chị kể, nhiều đêm đang ngủ bỗng chuông điện thoại đổ dồn dập, chị giật mình lo lắng… Ai ngờ, anh nông dân chuẩn bị ra đồng ở tận Hòn Đất, Kiên Giang thỏ thẻ: “Chị Lan hả, cho tui hỏi, ngày mai trời tốt không để tui biết đường mà gieo giống vụ mới”. Bao năm, chị đã quen với cái “điện thoại online” bất kể đêm khuya hay ngày nghỉ. Chị là thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ.
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Chuyện đời, chuyện nghề

Cuộc trò chuyện với chúng tôi thường xuyên bị gián đoạn bởi chị phải liên tục truyền đạt “ý ông trời”. Chị kể, nhiều đêm đang ngủ bỗng chuông điện thoại đổ dồn dập, chị giật mình lo lắng… Ai ngờ, anh nông dân chuẩn bị ra đồng ở tận Hòn Đất, Kiên Giang thỏ thẻ: “Chị Lan hả, cho tui hỏi, ngày mai trời tốt không để tui biết đường mà gieo giống vụ mới”. Bao năm, chị đã quen với cái “điện thoại online” bất kể đêm khuya hay ngày nghỉ. Chị là thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ.

Bất kể ngày - đêm

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan với công việc hàng ngày.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan với công việc hàng ngày.

2 giờ khuya, chị bắc ghế nằm cạnh cái máy vi tính, mắt vẫn lao láo ngó ảnh mây, bản đồ. Hai bên đầu chỗ nằm nghỉ là 2 cái điện thoại bàn reo liên tục. Rồi chị lại quay qua làm bản tin, tiếp tục vẽ hoàng lưu cơn bão, phát tin, báo cáo trung ương… Đó là hình ảnh của thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan trong 30 ngày “đối phó” với 5 cơn bão đặc biệt hồi cuối năm 1998.

Đối với người làm nghề dự báo, những ngày xấu trời thì họ làm quần quật, tơi tả với mưa bão. Những ngày còn lại, họ phải quan sát những thay đổi bất thường. Người dự báo viên làm việc cả thứ bảy và chủ nhật, bất chấp ngày lễ tết, với họ không có khái niệm chỉ làm việc ban ngày.

Khi đảm nhiệm dự báo thời tiết cho công trình sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hơn nửa năm ròng, ngày nào chị Lan cũng chạy xe hơn 10 cây số chỉ để nhìn mây. Nhiều người ví von nghề dự báo như lính canh giữ bầu trời. Việc đầu tiên khi mở mắt ra là nhìn mây trời. Ra đường luôn phải cảm nhận cái nắng, cái gió...

Nhưng cái khổ nhất của nghề dự báo không phải là thời gian, sự vất vả mà chính là sức nặng của trách nhiệm.

Chị Lan nhớ lại: “Chúng tôi phải làm bản tin dự báo mưa trước mỗi lần đổ bê tông xây cầu Phú Mỹ. Đến mẻ đổ bê tông lớn, dự báo thời tiết thuận lợi nhưng khi kiểm tra lại, tôi phát hiện sẽ mưa vào thời điểm đó liền vội vàng điện thoại cho đội thi công tạm hoãn nhưng không kịp và hậu quả lần đó khá nặng. Về nhà, tôi ray rứt, buồn bực đến mất ngủ dù đó không hoàn toàn do lỗi của dự báo viên. Nghề này cũng ác nghiệt lắm vì ít ai khen ngợi khi mình làm đúng nhưng sẵn sàng công kích khi xảy ra sai sót. Trong khi, tình hình mưa bão ngày càng trái khoáy, rất oái ăm”.

Trăn trở với nghề

Chị Xuân Lan bén duyên với ngành dự báo khí tượng thủy văn ngay từ những ngày đầu của ngành này ở Nam bộ. Chị nhớ lại: “Khi học ở ĐH Tổng hợp là giai đoạn rất khó khăn, không có tài liệu, kiến thức chấp vá, sinh viên muốn tìm hiểu về khí tượng thủy văn phải dịch cả xấp tài liệu tiếng Nga rồi chép lại bằng tay. Nhưng nước Nga có khí hậu ôn đới, làm sao để biến kiến thức đó phù hợp với khí hậu trong nước mới là vấn đề. Ra trường với những kiến thức “cổ điển”, tôi và đồng nghiệp chỉ làm dự báo đơn giản bằng cách vẽ trên bản đồ”.

Lúc đó, bản tin dự báo rất đơn giản chỉ có vài dòng, độ chính xác không cao vì ảnh mây cũng không có. Đến những năm 80, có ảnh mây vệ tinh từ Nhật gửi qua bằng máy fax nhưng nhòe nhoẹt nên người làm bản tin cũng không chắc chắn.

Chị Xuân Lan tâm sự: “Ngày đó, ai hỏi làm nghề gì, tôi đều không dám nói làm khí tượng vì xã hội hầu như chưa có mấy ai biết về nghề này và việc làm của mình cũng chưa có ích gì”.

Đến khi có radar thời tiết, ảnh mây vệ tinh đã hiện đại hơn cho dự báo viên nhiều góc nhìn khác nhau. Thế giới lúc đó cũng bắt đầu có mô hình số trị phản ánh số liệu khách quan. Với ý thức phải tự học, nâng cao trình độ để theo kịp tiến bộ kỹ thuật, chị Xuân Lan là người đầu tiên đăng ký học cao học.

Ở khóa học này, 6 người thi vào thì có 5 người rớt, chỉ mỗi mình chị đậu và vì chỉ có một người trúng tuyển nên không thể mở lớp. Đến năm tiếp theo, cũng không ai thi đậu. Vậy là Viện Khí tượng hải văn của Bỉ đành phối hợp với ĐH Khoa học tự nhiên đào tạo một học viên cao học duy nhất là chị Lê Thị Xuân Lan…

Ngày nay, dự báo viên có thể ngồi bất cứ nơi đâu để làm bản tin thời tiết. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, khó khăn của ngành khí tượng thủy văn hiện nay là dự báo viên vẫn còn đa năng, vừa dự báo biển lẫn đất liền mà thiếu đi sự đào tạo chuyên sâu, chính quy cho một lĩnh vực.

Hơn 30 năm làm công tác dự báo khí tượng thủy văn, chị Xuân Lan vẫn trăn trở vì nhiều đồng nghiệp của mình do thu nhập thấp phải làm nghề tay trái, khó toàn tâm toàn ý cho nghề. Âu đó cũng là trăn trở chung của tất cả những ai làm nghề dự báo tính khí ông trời này.

Trong quá trình học, chị phải dịch cả cuốn tài liệu tiếng Pháp để hiểu thế nào là mô hình số trị. Nó đơn giản là cái máy tính nhưng phải là “siêu máy tính” chỉ có ở các nước phát triển như Đức, Mỹ, Nhật và gần đây là Trung Quốc. Cập nhật data trên toàn thế giới, lý thuyết về khí tượng được nạp vào bằng phần mềm chương trình. Máy tính nhận toàn bộ số liệu, tính toán, vẽ và suy ra thời tiết từng vùng, khu vực.

Mô hình số trị tổng hợp tình hình của toàn thế giới cho ta bức tranh toàn cảnh thời tiết từ mặt đất lên đến đỉnh tầng đối lưu 12.000m. Nhưng có một điều, theo chị Xuân Lan, máy tính thông minh thật nhưng vẫn không thể thay thế con người vì nó nằm ở Mỹ, không thể hiểu địa hình, địa lý và đặc điểm khí hậu của từng địa phương…

TIÊU HÀ

Tin cùng chuyên mục