Thạch Châu say mê điệu dân ca Ví, Giặm

Từ năm 2008, xã Thạch Châu, huyện bãi ngang ven biển Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã ra đời Câu lạc bộ (CLB) Dân ca Ví, Giặm từ sự tự nguyện của những người nông dân chân lấm tay bùn. Thông qua CLB, những câu ví, điệu hò vừa đi vào đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, vừa không ngừng được phát triển nét đẹp vốn có của nó.
Thạch Châu say mê điệu dân ca Ví, Giặm

Từ năm 2008, xã Thạch Châu, huyện bãi ngang ven biển Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã ra đời Câu lạc bộ (CLB) Dân ca Ví, Giặm từ sự tự nguyện của những người nông dân chân lấm tay bùn. Thông qua CLB, những câu ví, điệu hò vừa đi vào đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, vừa không ngừng được phát triển nét đẹp vốn có của nó.

Ông Nguyễn Công Toại sáng tác nhiều bài hát mới với làn điệu dân ca Ví, Giặm đặc sắc.

Về xã Thạch Châu, nói đến dân ca Ví, Giặm phải kể đến gia đình ông Nguyễn Công Toại. Gia đình ông Toại có 5 người tham gia CLB Dân ca Ví, Giặm của xã (gồm vợ chồng ông và 3 người con), ai cũng hát rất giỏi. Bản thân ông Toại ngoài hát chính, còn tìm tòi, sáng tác được gần 60 bài hát mới theo các làn điệu dân ca Ví, Giặm cũ khác nhau.

Ông Toại cho biết, cũng từ hát dân ca Ví, Giặm mà nhiều đôi trai tài, gái sắc ở Thạch Châu tìm thấy sự đồng cảm, quyến luyến rồi kết nên duyên nghĩa vợ chồng. Mặc dù công việc đồng áng vất vả, nhưng mỗi dịp lễ hội, thi thố là cả nhà lại bố trí thời gian để luyện hát. “Niềm đam mê dân ca Ví, Giặm đã ngấm sâu vào đường gân thớ thịt, như chất xúc tác giúp chúng tôi trẻ trung ra, yêu đời thêm, tình làng nghĩa xóm thắt chặt hơn. Dân ca Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa. Các lối hát, vì vậy, được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt như, Ví phường vải, Ví phường nón, Ví phường củi, Trèo non, Đò đưa, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên… Hai lối hát dân ca này thường được biểu diễn xen kẽ nên có tên ghép là dân ca Ví, Giặm”, ông Toại tâm sự.

 

* Dân ca Ví, Giặm vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vui lớn đối với Việt Nam nói chung và 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng. Ở tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An hiện có khoảng trên 75 nhóm dân ca Ví, Giặm, với khoảng 1.000 - 2.000 thành viên tham gia.

 

Chủ nhiệm CLB Dân ca Ví, Giặm xã Thạch Châu, anh Nguyễn Đình Kế cho biết, người dân Thạch Châu sớm được nghe những câu dân ca Ví, Giặm từ lời ru của ông bà, cha mẹ và đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa thường ngày. Năm 2008, xã Thạch Châu chính thức thành lập CLB Dân ca Ví, Giặm. Lúc đầu CLB chỉ có 5 - 7 thành viên hoạt động nhưng đến nay đã có hơn 32 thành viên, già có, trẻ có, ai cũng có đam mê tham gia nhiệt huyết. Các thành viên trong CLB đều là nông dân chân lấm tay bùn, hàng ngày ngoài công việc đồng áng, họ tụ tập nhau lại rồi tập luyện. CLB Dân ca Ví, Giặm xã Thạch Châu đã đoạt nhiều giải thưởng lớn tại các liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn huyện, tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An…

Để các làn điệu dân ca Ví, Giặm không bị lãng quên theo thời gian, ban đầu các thành viên trong CLB phải đi vận động những người cao tuổi, có kinh nghiệm về dân ca Ví, Giặm truyền nghề. Rồi thông qua các hội diễn, hội thi văn hóa văn nghệ quần chúng ở cơ sở, phát hiện, bồi dưỡng lớp trẻ có tài năng. Đồng thời, phối hợp với các trường học trên địa bàn xã đưa dân ca Ví, Giặm vào các hoạt động ngoại khóa, làm tăng thêm sự hiểu biết và yêu thích cho học sinh về loại hình nghệ thuật đặc thù truyền thống này. Nhờ vậy, đến hôm nay dân ca Ví, Giặm ở xã Thạch Châu phát triển mạnh và càng gần gũi với đời sống sinh hoạt của người nông dân hơn, nhất là với các thế hệ trẻ Thạch Châu đã bắt đầu thích thú đàn hát, giao lưu dân ca Ví, Giặm nhiều hơn.

DƯƠNG QUANG - ANH HỮU

Tin cùng chuyên mục