Thách thức cải tổ, giám sát doanh nghiệp nhà nước

Theo dự thảo về nghị định quản lý các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng Chính phủ sẽ không nắm trực tiếp tập đoàn và không có doanh nghiệp trực thuộc Thủ tướng. Việc phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước cũng cụ thể hơn. Với số doanh nghiệp còn lại, về cơ bản trách nhiệm, quyền hạn đó sẽ được giao cho các bộ quản lý chuyên ngành, bộ quản lý tổng hợp, UBND tỉnh, thành phố.

Việc đổi mới cách thức quản lý các tập đoàn, tổng công ty được tiến hành cùng với lộ trình tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty đang được tiến hành. Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 9 đã có 53 tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng đề án tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong đó có 23 tập đoàn, tổng công ty được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án. Hiện nay, cả nước còn 11 tập đoàn và định hướng trong thời gian tới sẽ chỉ còn 5-7 tập đoàn. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, các doanh nghiệp giữ mô hình tập đoàn cũng phải cơ cấu lại, tập trung vào ngành nghề chính, quy mô hoạt động phù hợp với khả năng tài chính, năng lực quản trị và thị trường.

Với kế hoạch tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty, trong thời gian tới, các tập đoàn kinh tế sẽ còn tiếp tục giảm để chuyển đổi sang mô hình phù hợp. Các tổng công ty nhà nước sẽ phải thay đổi để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Đây là việc làm cần thiết khi loại hình doanh nghiệp này những năm qua dù được xác định là trụ cột của nền kinh tế nhưng hệ thống doanh nghiệp nhà nước nói chung, các tập đoàn, tổng công ty nói riêng vẫn còn nhiều tồn tại (hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, vay nợ nhiều, đầu tư dàn trải, năng lực cạnh tranh yếu…).

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, một trong những điểm quan trọng đặt ra của yêu cầu đổi mới các tập đoàn, tổng công ty là nâng tính tự chịu trách nhiệm trong điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị với vai trò là chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp cũng như các bộ, ngành cấp trên trực tiếp của chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Điều này có thể sẽ khắc phục được phần nào những bất cập, hạn chế đã từng xảy ra với Vinashin hay Vinalines. Tuy nhiên, theo bình luận của một số chuyên gia, điều này vẫn chưa hoàn toàn giải quyết được tận gốc vấn đề doanh nghiệp nhà nước nói chung, tập đoàn, tổng công ty nói riêng là “rủi ro đạo đức trong việc coi tiền nhà nước là tiền chùa và xung đột lợi ích nhà nước, cá nhân, nhân dân”. Chính vì vậy, cần làm rõ cơ chế giám sát và trách nhiệm của đại diện quyền sở hữu vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp phù hợp với Luật Doanh nghiệp và yêu cầu quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, một trong những điều quan trọng trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là phải tách chức năng chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý nhà nước. Bởi cơ chế quản lý hiện nay với doanh nghiệp nhà nước vẫn mang tính hành chính, chủ quản, phân tán và không có ai chịu trách nhiệm nên tính công khai và trách nhiệm giải trình rất kém trong thực hiện quyền chủ sở hữu. Do vậy, một trong những biện pháp là cần thành lập một cơ quan độc lập chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện các quyền chủ sở hữu với công ty hoạt động kinh doanh (lĩnh vực quốc phòng, an ninh tách riêng).

Chia sẻ quan điểm này, một chuyên gia đặt câu hỏi: “Chúng ta có dám chấp nhận một thị trường CEO (giám đốc điều hành) cho doanh nghiệp nhà nước hay không? Chúng ta từng muốn thuê CEO cho các doanh nghiệp này nhưng khi lương của một CEO vài chục triệu đồng/tháng đã bị “kêu” trong khi đó, lương của một CEO của doanh nghiệp tư nhân có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Nếu hiệu quả không gắn liền với chế độ đãi ngộ thì sẽ không dễ dàng để kiếm một CEO giỏi để phát huy hiệu quả doanh nghiệp đó”.

Những thực tế trên cho thấy, dù lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước nói chung và trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty đã được đưa ra nhưng để các tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả đến đâu vẫn cần có thời gian để giải đáp. 

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục