Thách thức cho BRICS

Thế giới đang hướng sự theo dõi vào cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về một mắt xích quan trọng của nền kinh tế thế giới cũng đang gây lo ngại. Theo đó, BRICS, khối các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đang phải đối mặt với những khó khăn dồn dập.

Thế giới đang hướng sự theo dõi vào cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về một mắt xích quan trọng của nền kinh tế thế giới cũng đang gây lo ngại. Theo đó, BRICS, khối các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đang phải đối mặt với những khó khăn dồn dập.

Tình hình yếu kém của kinh tế Trung Quốc làm giới quan sát cảm thấy lo lắng. Mọi người chờ đợi tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới bị chựng lại nhưng không ngờ là chứng khoán Thượng Hải bị đe dọa vỡ bong bóng. Theo hãng tin Bloomberg, tính từ giữa tháng 6-2015 cho tới cuối tháng 7-2015, 4.000 tỷ USD trên thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã bốc hơi. Chỉ số trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm mạnh nhất so với tất cả các thị trường khác trên thế giới. Bất chấp việc chính quyền Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp để ngăn đà sụt giảm nhưng vẫn không thể chặn nổi hiện tượng “chảy máu” hàng ngàn tỷ USD vốn hóa trên các sàn chứng khoán Trung Quốc.

Bên cạnh những tín hiệu xấu của Trung Quốc, một cột trụ khác trong khối BRICS là Brazil cũng đang gây lo ngại. Lạm phát và thất nghiệp gia tăng, đồng tiền quốc gia liên tục mất giá so với các ngoại tệ chính của thế giới như đồng USD và EUR, thặng dư ngân sách nhà nước bị thu hẹp lại để rơi xuống gần 0% so với GDP. Nhiều dự báo cho hay GDP của nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới, trong năm 2015, giảm 1,7%. Bên cạnh đó, hàng loạt vụ tai tiếng tham nhũng làm suy yếu liên minh cầm quyền của Tổng thống Dilma Rousseff.

Trong khi đó, đơn vị tiền tệ của Nam Phi đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ nhiều năm qua. Hai tập đoàn khai thác quặng mỏ lớn tại xứ này là Anglo American và Lonmin vừa thông báo sa thải khoảng 10.000 nhân viên tại Nam Phi và ở một số nơi khác. Gần như cùng lúc, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo ngưng mua vào ngoại tệ với mục đích giữ giá cho đồng rouble. Đơn vị tiền tệ Nga có lúc đã mất giá đến 50% so với USD vì giá nguyên và nhiên liệu tụt giảm và lệnh trừng phạt của phương Tây. GDP của Nga có thể giảm 5% trong năm nay.

Có thể nói, đà tăng trưởng của các nền kinh tế đang trỗi dậy bị chựng lại. Chuyên gia kinh tế Christipher Dembik, Ngân hàng đầu tư Đan Mạch Saxo Bank, đã chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng lo ngại của BRICS hiện nay. Thứ nhất, trong chu kỳ thịnh vượng vừa qua, các nền kinh tế này đã không nắm bắt lấy thời cơ tiến hành các biện pháp cải tổ cần thiết để nâng cấp guồng máy công nghiệp. Thứ hai, họ đã không đa dạng hóa khu vực sản xuất. Và cuối cùng là không tăng cường khả năng tiêu thụ nội địa, để phần nào tiếp sức cho khu vực xuất khẩu, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của toàn cầu.

Chưa kể các nền kinh tế phát triển là châu Âu và Mỹ đang từng bước siết lại luật chơi chung. Người tiêu dùng của châu Âu và Bắc Mỹ sẽ không còn dễ dàng nhập hàng của nước đang phát triển, nếu đó không phải là hàng có chất lượng. Ngay cả những quốc gia bắt đầu phát triển hơn cũng đang trở thành những thị trường khó tính, đòi hỏi các nguồn cung cấp phải tuân thủ một số chuẩn mực về môi trường, về an toàn thực phẩm hay chất lượng… Đó là những thách thức mới mà BRICS phải tính tới.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục