Thách thức cho tăng trưởng kinh tế

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong hai thập niên tới, lực lượng lao động tại nhiều nước sẽ giảm đáng kể, gia tăng áp lực đối với tăng trưởng kinh tế.
Theo dõi thông tin việc làm tại một hội chợ tuyển dụng lao động ở Seoul, Hàn Quốc
Theo dõi thông tin việc làm tại một hội chợ tuyển dụng lao động ở Seoul, Hàn Quốc

Lực lượng lao động giảm mạnh

Báo cáo “Thương mại Thế giới năm 2019”, WTO dự đoán dân số Hàn Quốc năm 2040 vẫn duy trì mức tương tự năm ngoái, nhưng lực lượng lao động sẽ giảm tới 17%. Đây là mức giảm lớn nhất trong số các nền kinh tế phát triển, hoàn toàn đi ngược lại với bình quân thế giới là tăng 17%. Sau Hàn Quốc, lực lượng lao động của Trung Quốc và Nhật Bản năm 2040 được nhận định giảm 14%. Tỷ lệ này ở Nga và Liên minh châu Âu (EU) được dự đoán giảm lần lượt 8% và 4%. Trong các nước đông dân, Ấn Độ sẽ có lực lượng lao động tăng cao nhất là 23%. Lực lượng lao động của Mỹ cũng được dự đoán tăng 10%.

Xét theo từng khu vực, lực lượng lao động các nước kém phát triển nhất (LDC) ở miền Nam sa mạc Sahara của châu Phi ước tính tăng tới 78%. Lực lượng lao động trình độ học vấn dưới bậc phổ thông trung học của Hàn Quốc cũng sẽ giảm tới 51%, mức giảm mạnh nhất thế giới. Với xu hướng giảm dân số lao động như trên, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc tới năm 2040 dừng lại ở mức tăng 65%, thấp hơn mức tăng bình quân của thế giới là 80%. Dù tỷ lệ này của Hàn Quốc cao hơn các nước phát triển như Nhật Bản (19%), EU (45%) và Mỹ (47%), nhưng vẫn không thể sánh được với Ấn Độ (226%) và Trung Quốc (141%). Mặc dù lao động trình độ thấp ở các nước có giảm, nhưng lao động trình độ cao dự đoán sẽ tăng ở hầu hết các khu vực, đặc biệt tại Ấn Độ và các nước đang phát triển châu Á.

Theo giới chuyên gia, già hóa dân số tại các nước phát triển là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm lực lượng lao động. Đối với các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh đây còn là mối nguy đối với tăng trưởng kinh tế. Tại Trung Quốc, tỷ lệ sinh được dự báo chỉ đạt mức trung bình 1,5%/năm trong giai đoạn năm 2040 - 2050, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 7,1% trong giai đoạn 2010 - 2020. Trong khi đó, theo thống kê, dân số Hàn Quốc trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) đã giảm lần đầu tiên vào năm 2017. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo tổng dân số sẽ giảm vào đầu năm tới. Đến năm 2065, Hàn Quốc được dự báo trở thành nước phát triển có dân số già nhất thế giới.

Biến thách thức thành lợi thế

Theo Liên hiệp quốc, trong năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử số lượng người từ 65 tuổi trở lên trên toàn cầu vượt qua số lượng trẻ dưới 5 tuổi. Số lượng người từ 80 tuổi trở lên được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần, từ 143 triệu người trong năm 2019 lên 426 triệu người vào năm 2050. Báo cáo của WTO cho biết, một số nước và khu vực sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ tuyển dụng lao động tăng.

Tuy nhiên, trong một báo cáo gần đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dân số già hóa có thể là lợi ích đối với các nền kinh tế khu vực châu Á và Thái Bình Dương nếu các chính phủ áp dụng những chính sách công nghệ giúp cải thiện sức khỏe của người cao tuổi, tăng cường kỹ năng và mở rộng thời gian làm việc, hỗ trợ tìm việc làm phù hợp. Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada nhận định, xu hướng già hóa là không thể đảo ngược tại phần lớn khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nhưng các chính phủ có thể biến điều này thành một khoản “lợi tức bạc”. Ngày nay, người cao tuổi có trình độ học vấn cao hơn và khỏe mạnh hơn so với trong quá khứ. Những chính sách đúng đắn về công nghệ có thể mở rộng thời gian làm việc, tạo ra sự đóng góp đáng kể vào nền kinh tế chung.

Tin cùng chuyên mục