Thượng viện Myanmar dự kiến có phiên họp đầu tiên vào hôm nay 3-2 sau khi Quốc hội mới của nước này đã ra mắt ngày 1-2. Truyền thông quốc tế dẫn lời nhiều tân nghị sĩ của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức cho hay họ rất háo hức và hy vọng cho một sự thay đổi ở quốc gia Đông Nam Á.
Sự thay đổi bước đầu và quan trọng đó chính là việc Quốc hội Myanmar lần này do dân bầu đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ. Tuy nhiên, không ít tân nghị sĩ có đôi chút lo lắng. Giới quan sát nhận định sự lo lắng là điều dễ hiểu, khi mà không ít thách thức đang chờ đón Chính phủ mới của Myanmar. Việc phát triển để một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đáp ứng được kỳ vọng đổi mới của nguời dân là áp lực không nhỏ. Càng khó hơn khi các nghị sĩ mới, chủ yếu gồm các bác sĩ, giáo viên và nhà thơ, không có kinh nghiệm gì về nghị trường, ngoại trừ khoảng 20 người, trong đó có bà Aung San Suu Kyi được bầu làm nghị sĩ trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung vào năm 2012.
Thách thức tiếp theo là làm sao xây dựng nền tảng hòa bình vững chắc với các sắc tộc thiểu số. Chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Thein Sein, cuối năm 2015 đã đạt được một thỏa thuận cho hòa bình với 8 nhóm vũ trang, trong đó có lực lượng Karen. Tổ chức này trong hơn 50 năm đã liên tục đương đầu với chính quyền trung ương Myanmar. Dù vậy, có những tổ chức khác, chẳng hạn như lực lượng vũ trang tại bang Shan, hay nhóm vũ trang của người Kachin độc lập vẫn chưa buông súng. Bà Aung San Suu Kyi cho biết bà sẽ làm tất cả để tìm được đồng thuận với các phong trào đòi ly khai nhằm có nền hòa bình một cách toàn diện. Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ đơn giản bởi các tổ chức này luôn muốn được hưởng một quy chế tự trị về mặt hành chính và được quyền khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đến nay, mọi chuyện vẫn đang tiến triển tốt với NLD nhưng vẫn có dư luận quan ngại về chuyện chuyển giao quyền lực có được êm đẹp, NLD có thể cầm quyền thuận lợi hay không? Mạng Liên hợp buổi sáng dẫn lời một số chuyên gia chính trị cho rằng, có thể tin vào việc chuyển giao quyền lực trong hòa bình của Myanmar. Theo mạng tin này, các cuộc gặp gỡ giữa bà Aung San Suu Kyi với 9 vị lãnh đạo của chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Thein Sein thời gian qua đều phát đi tín hiệu tuơng đối nhất quán: chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Chưa có tiếng nói công khai nào phản đối chuyển giao quyền lực và điều này chí ít tạo ra một bầu không khí tốt đẹp cho việc chuyển giao quyền lực vào tháng 3-2016. Ngoài ra, trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội Myanmar, việc các nghị sĩ bầu ông U Ti Khun Myat thuộc đảng Đoàn kết và phát triển liên bang (USDP) làm phó chủ tịch cho thấy dấu hiệu NLD có thể chia sẻ quyền lực để quá trình chuyển giao được êm đẹp.
Nhiệm vụ trước mắt của Quốc hội Myanmar là tìm ra một vị tổng thống mới vào đầu tháng 4 tới. Dù tổng thống mới có là ai, điều quan trọng nhất với chính phủ mới của Myanmar là làm sao giải quyết được những vấn đề khó khăn nội tại của quốc gia Đông Nam Á này, đáp ứng được sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri Myanmar, những người đã bỏ phiếu vì khẩu hiệu tranh cử của NLD “Bầu cho bà Aung San Suu Kyi là bỏ phiếu vì dân chủ”.
ĐỖ CAO