Kinh tế châu Á trong năm 2015 đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội. Đây là nhận định của ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty phân tích HIS (Mỹ) trong bài phỏng vấn của hãng tin DW (Đức).
Ở ba đầu tàu kinh tế châu Á, trong năm 2015, khi Trung Quốc cố gắng duy trì mọi biện pháp để giữ mức tăng trưởng ổn định, Nhật Bản bước vào thời kì suy thoái thì Ấn Độ sẽ trở thành điểm sáng nhất trong kinh tế châu Á. Với chiến lược phát triển bền vững được quy hoạch có chiến lược của mình, Ấn Độ đang còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Giới phân tích dự báo một lượng lớn nhà đầu tư sẽ rời Trung Quốc để chuyển sang các khu vực khác có giá nhân công thấp hơn như Đông Nam Á và Ấn Độ. Tăng trưởng GDP dự kiến của Trung Quốc sẽ giảm xuống 6,5% trong năm 2015 so với mức 7,3% ở năm 2014. Trong khi đó, Ấn Độ sẽ tăng từ 5,5% ở năm 2014 lên mức 6,4% trong năm 2015. Con số tăng trưởng của Nhật Bản dự kiến đạt mức 1,5%
Theo ông Rajiv Biswas, việc giá dầu giảm mạnh đã gây tác động khá tích cực lên các nền kinh tế châu Á - những quốc gia nhập khẩu phần lớn dầu mỏ và khí đốt. Giá dầu giảm giúp châu Á kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững chính sách tiền tệ và đưa lãi suất ngân hàng về mức thấp để kích thích các hình thức vay vốn phát triển sản xuất.
Sau Ấn Độ, Indonesia và Malaysia cũng là những điểm sáng kinh tế tại châu Á. Cả hai quốc gia sẽ tận dụng cơ hội từ giá dầu rẻ để cắt giảm trợ cấp xăng dầu. Đây là biện pháp giảm thâm hụt ngân sách và giảm kim ngạch nhập khẩu năng lượng - nguyên nhân gây mất cân bằng cán cân thương mại.
Ông Rajiv Biswas đã nêu ví dụ về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm qua. Nhận định của ông cho rằng, đây là sự phục hồi thú vị bởi trong năm 2010 - 2011, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn khi lạm phát tăng cao, dự trữ ngoại hối thấp. Nhưng chỉ 3 năm sau, kinh tế Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ. Mức lạm phát dự kiến trong năm 2014 chỉ ở mức 4,1% và sẽ giảm xuống 3,5% trong năm nay. GDP tăng trưởng dự kiến sẽ đạt khoảng 6% trong năm 2015. Các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt nhiều kỳ vọng vào các dự án phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt là từ ngành ngân hàng, vốn đang bận rộn với các khoản nợ vay khó đòi và đòi hỏi phải cần thêm sự tái cơ cấu đáng kể hơn nữa.
Ủy ban kinh tế - xã hội của LHQ phụ trách châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) đưa ra nhận định, kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 5,8% trong năm 2015 (so với mức 3% của kinh tế toàn cầu), tăng nhẹ so với mức 5,4% của năm 2014 nhờ lạm phát và giá dầu mỏ giảm. Dự báo này của ESCAP cũng tương đồng với Ngân hàng Thế giới (WB) khi cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng có thể tới 6,7% năm 2015. Tuy nhiên, ESCAP cũng cảnh báo những hạn chế về cấu trúc kinh tế sẽ kiềm chế tiềm năng tăng trưởng của các nước khu vực. Ở một số nước châu Á, sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng cần thiết vẫn là bài toán hóc búa, do đó tăng trưởng kinh tế vẫn không tạo ra động lực tối đa cho tăng trưởng việc làm.
THANH HẰNG