Thách thức từ Afghanistan

Sau khi Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014 như dự kiến, tình hình an ninh tại Afghanistan đang thực sự là một vấn đề lớn. Ngay từ giữa năm 2013 tới nay, khi lực lượng này còn hiện diện ở Afghanistan, mật độ các cuộc tấn công khủng bố vẫn gia tăng.

Sau khi Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014 như dự kiến, tình hình an ninh tại Afghanistan đang thực sự là một vấn đề lớn. Ngay từ giữa năm 2013 tới nay, khi lực lượng này còn hiện diện ở Afghanistan, mật độ các cuộc tấn công khủng bố vẫn gia tăng.

Dư luận thế giới đang hoài nghi về khả năng tự đảm bảo an ninh của Afghanistan mặc dù Mỹ đã mất 13 năm để đào tạo lực lượng an ninh nước này. Nhất là khi, Taliban không những không bị tiêu diệt mà còn trở nên đáng sợ hơn khi liên kết với các nhóm cực đoan Hồi giáo khác, kể cả mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đang trỗi dậy tại nhiều nước Trung Đông.

Theo tạp chí The Diplomat số ra ngày 16-1, lo ngại trước khả năng mất ổn định về an ninh ở Afghanistan, Trung Quốc vừa tổ chức cuộc họp quan chức cấp cao ba bên Trung Quốc - Ấn Độ - Nga bàn về an ninh Afghanistan sau khi lực lượng quốc tế rút khỏi nước này. Trước đó, Trung Quốc cũng tổ chức hội nghị ba bên với Nga và Pakistan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Trung Quốc nhận định tình hình an ninh Afghanistan sắp tới sẽ ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của cả khu vực, vì vậy, nước này sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế để tìm một tiến trình hòa hợp và tái thiết trong hòa bình ở Afghanistan.

Bất ổn của Afghanistan sẽ càng châm ngòi cho các phong trào Hồi giáo ly khai ở Trung Quốc khi thời gian gần đây các cuộc tấn công liều chết bắt đầu xuất hiện nhiều nơi ở Trung Quốc. Bắc Kinh đã lên án nhóm Hồi giáo ly khai Đông Turkistan có liên hệ với Al-Qaeda gây ra các vụ này. Trung Quốc cũng sẽ đưa vấn đề an ninh Afghanistan vào chương trình nghị sự của Hội nghị Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), trong đó Trung Quốc và Nga là thành viên; Pakistan và Ấn Độ là quan sát viên. Chưa kể, Afghanistan bất ổn sẽ đe dọa trực tiếp đến quyền lợi kinh tế của Trung Quốc khi nước này đầu tư hơn 3 tỷ USD vào đây và Ấn Độ đầu tư hơn 2 tỷ USD.

Dĩ nhiên, khi an ninh Afghanistan bất ổn thì an ninh của Pakistan cũng bất ổn theo khi đa số các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Pakistan đều hậu thuẫn hoặc có cảm tình với Taliban Afghanistan, thậm chí ngay cả Cơ quan tình báo quân đội Pakistan cũng bị Mỹ cho là có liên quan đến các hoạt động của Taliban. Đó là lý do vì sao các cuộc không kích của Mỹ tại Afghanistan luôn lan sang Pakistan. Với Ấn Độ, khi Afghanistan nóng thì vùng Kashmir với các hoạt động của các nhóm ly khai Hồi giáo cũng sẽ nóng thêm.

Riêng với Nga, tình trạng bất ổn ở Afghanistan đang đe dọa tới an ninh Nga. Các vụ đánh bom khủng bố ở Volgograd và nhiều khu vực thuộc Tresnia, Dagestan chính là do các tổ chức Hồi giáo ly khai khủng bố gây ra. Từ lâu, Nga xem các nước Trung Á thuộc Liên Xô trước đây là vùng đệm giữa nước này với Afghanistan. Sau khi Liên Xô tan rã, các phong trào Hồi giáo ly khai và khủng bố trỗi dậy ở các nước như Uzbekistan và Tajikistan với sự hỗ trợ từ Taliban Afghanistan. Vì vậy, nếu an ninh ở Afghanistan bất ổn, cuộc chiến chống ly khai khủng bố của Nga càng cam go hơn. Với những mối quan hệ từng gắn bó với Afghanistan khi Liên Xô đóng quân ở Afghanistan, Nga hoàn toàn có thể giúp Afghanistan sớm ký kết hiệp ước an ninh với Mỹ. Hơn thế nữa, Nga có thể đóng một vai trò nhất định với việc đưa lực lượng an ninh tới Afghanistan.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục