Bangkok Post ngày 29-3 đưa tin, một ngày trước khi diễn ra bầu cử Thượng viện Thái Lan (ngày 30-3), hàng ngàn người chống chính phủ đã xuống đường yêu cầu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức. Người biểu tình tập trung ở công viên Lumpini, sau đó di chuyển sang nhiều khu vực khác ở thủ đô Bangkok.
Không có cải cách sẽ không có Quốc hội
Theo Reuters, lực lượng an ninh của chính phủ cho biết có khoảng 50.000 người biểu tình trong ngày 29-3 nhưng đến chiều, lực lượng này đã giảm còn 30.000 người do chính phủ bố trí khoảng 8.000 nhân viên an ninh và cảnh sát để giữ trật tự. Đường phố Bangkok bị ách tắc giao thông nghiêm trọng. Những người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu kêu gọi Thủ tướng tạm quyền Yingluck từ chức và kêu gọi Chính phủ Thái Lan hủy tất cả các cuộc bầu cử sắp diễn ra. Trong đó có cuộc bầu cử Thượng viện sẽ diễn ra ngày 30-3.
Theo Bangkok Post, thủ lĩnh phe biểu tình phản đối Chính phủ Thái Lan Suthep Thausuban ngày 29-3 đã tuyên bố: “Không có cải cách sẽ không có Quốc hội mới”. Ông Suthep khẳng định đây là thời điểm phe biểu tình công khai rằng họ không muốn bầu cử mà chỉ muốn cải cách. Phe áo vàng cáo buộc rằng các chính sách ưu đãi nông dân của đảng Pheu Thai do gia đình Shinawatra đứng đầu là hành vi mua phiếu và đó là lý do tại sao đảng này luôn thắng trong các cuộc bỏ phiếu gần đây. Vì vậy, Hội đồng Cải cách dân chủ nhân dân (PRDC) yêu cầu bà Yingluck chuyển giao quyền lực cho một hội đồng lâm thời, còn được gọi là hội đồng nhân dân, nơi sẽ trực tiếp đưa ra các biện pháp cải cách chống tham nhũng.
Nhóm người biểu tình chống chính phủ thuộc Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (do nhà sư Luang Pu lãnh đạo) đã xô xát với người ủng hộ chính phủ. Mạng lưới sinh viên và người dân vì cải cách Thái Lan (NSPRT) với 500 người biểu tình đã xông vào Tòa nhà Chính phủ và yêu cầu lực lượng cảnh sát không cản trở họ. Nhóm này muốn đặt tượng Phật Phra Chinnarat và Phra Chai Lang Chang tại tòa nhà Thái Khu Fah, văn phòng của bà Yingluck.
Trong một diễn biến khác, một quả bom đã phát nổ trên đường phố Sawankhalok, gần trạm xe lửa Suan Chitralada, phía sau Bộ Ngoại giao Thái Lan vào lúc 13 giờ 30 (giờ địa phương). Vụ nổ chỉ xảy ra cách đám đông người biểu tình chống chính phủ khoảng 100m nhưng chưa ghi nhận thương vong.
Bế tắc chính trị
Với tỷ lệ 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 21-3 đã thông qua phán quyết không chấp nhận kết quả của cuộc tổng tuyển cử tháng trước. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan được cho là không thể chấm dứt được cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay vì nó không mở ra một phương án tích cực để hàn gắn mâu thuẫn các bên mà có thể khiến tình hình thêm căng thẳng. Tòa án này vốn có tiền lệ xấu trong quan hệ với bà Yingluck khi nhiều lần đưa ra những phán quyết bất lợi cho bà cũng như đảng Pheu Thai.
Trước đó, Ông Charnyuth Hengtrakul, lãnh đạo của Liên minh Dân chủ Chống Độc tài (UDD) khu vực miền Đông, cho biết sẽ huy động người thuộc phe áo đỏ biểu tình trên quy mô toàn quốc vào ngày 5-4. Cựu lãnh đạo UDD Veerakarn Musikapong tuyên bố phe áo đỏ muốn bầu cử và kêu gọi đưa các thủ lĩnh của Hội đồng Cải cách dân chủ nhân dân (PRDC) ra trước công lý vì đã ngăn cản cuộc bầu cử ngày 2-2.
Hiện Chính phủ Thái Lan đang vướng nhiều rắc rối: cáo buộc tham nhũng liên quan đến chính sách trợ giá gạo, Hạ viện chưa hình thành... Trong trường hợp Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra bị kết tội không làm tròn nhiệm vụ liên quan tới chương trình trợ giá trong phiên luận tội ngày 31-3, vụ án sẽ được chuyển lên Thượng viện.
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)