Ngày 8-5, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) của Thái Lan đã chính thức buộc tội cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra lơ là trách nhiệm trong việc giám sát chương trình trợ giá lúa gạo gây tranh cãi của chính phủ.
Người đứng đầu NACC, ông Panthep Klanarongran cho biết vụ việc sẽ được chuyển lên Thượng viện vào tuần tới để bỏ phiếu có luận tội thủ tướng bị phế truất này hay không. Theo Hiến pháp Thái Lan, việc luận tội như vậy sẽ cần sự chấp thuận của tối thiểu 3/5 số thượng nghị sĩ. Nếu bị Thượng viện tuyên có tội, bà Yingluck có khả năng bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.
Ngày 8-5, người phát ngôn của lực lượng biểu tình Akanat Promphan cho biết ngày 9-5 “sẽ thực thi các biện pháp tiến tới bổ nhiệm một chính phủ mới” sau khi bà Yingluck và các thành viên nội các bị cách chức. Ông này cũng cho rằng việc đảng cầm quyền Puea Thai chỉ định Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boonsongpaisan lên thay bà Yingluck là bất hợp pháp. Đảng Puea Thai đã bác bỏ phán quyết của Tòa án Hiến pháp, cho rằng đây là một kiểu đảo chính mới.
Chưa rõ người biểu tình dựa trên cơ sở pháp lý nào để đưa ra tuyên bố thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, Hiến pháp Thái Lan có một điều khoản quy định Thượng viện có thể bổ nhiệm một cơ quan hành pháp mới. Các thủ lĩnh biểu tình tuyên bố sẽ tiến hành trận chiến cuối cùng vào ngày 9-5, song không nói rõ chi tiết về các kế hoạch của họ. Trong khi đó, những người ủng hộ bà Yingluck cũng tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc tuần hành quy mô lớn vào ngày 10-5.
VIỆT LÊ
- Bà Yingluck phải từ giã chính trường Thái Lan