Thái Lan nóng trước giờ G

Ngày 11-1, thời điểm 2 ngày trước kế hoạch “chiếm đóng Bangkok” của lực lượng biểu tình đối lập tại Thái Lan diễn ra, bầu không khí căng thẳng đã ngập tràn xứ Chùa Vàng khi đụng độ xảy ra nhiều nơi.
Thái Lan nóng trước giờ G

Ngày 11-1, thời điểm 2 ngày trước kế hoạch “chiếm đóng Bangkok” của lực lượng biểu tình đối lập tại Thái Lan diễn ra, bầu không khí căng thẳng đã ngập tràn xứ Chùa Vàng khi đụng độ xảy ra nhiều nơi.

        Bạo lực leo thang

Theo Bangkok Post, 7 người biểu tình chống chính phủ đã bị thương sau khi các phần tử có vũ trang nổ súng vào một địa điểm biểu tình tại giao lộ Khok Wua, đường Ratchadamnoen ở Bangkok. Trung tâm y tế khẩn cấp Erawan của Bangkok đã xác nhận số người bị thương nói trên, đồng thời cho biết một người vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Hiện vẫn chưa rõ cá nhân, tổ chức nào đứng sau vụ nổ súng này.

45 quốc gia đã đưa ra lời cảnh báo với công dân đang có mặt tại Thái Lan: tránh xa các địa điểm tổ chức biểu tình; không mặc áo đỏ hoặc áo vàng; chuẩn bị đầy đủ tiền, các phương tiện liên lạc, tích trữ lương thực, nước uống đề phòng trường hợp Bangkok bị tê liệt trong thời gian dài.

Trong khi đó, tờ Nation cho biết ít nhất 4 người đã bị thương sau khi các thành viên phe áo đỏ ủng hộ chính phủ xô xát với những người biểu tình đối lập tại Pathum Thani. Sự việc xảy ra sau khi phe chống chính phủ với khoảng 100 xe ô tô tuần hành rầm rộ ở quận Muang, kêu gọi mọi người tham gia kế hoạch chiếm đóng Bangkok ngày 13-1 tới. Một số nhân chứng cho biết họ nghe thấy tiếng súng và nhiều tiếng nổ. Một người biểu tình áo đỏ đã bị bắn trong khi nhiều người khác bị thương do thuốc nổ. Cũng theo tờ Nation, lỗ thủng do đạn bắn đã được tìm thấy trên một chiếc xe của lực lượng biểu tình chống chính phủ.

Những diễn biến bạo lực mới xảy ra chỉ 2 ngày trước cuộc biểu tình lớn của lực lượng đối lập với tuyên bố làm tê liệt thủ đô Bangkok. Mục tiêu của những người này là tìm cách ngăn cản việc tiến hành bầu cử sớm và muốn Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức. Các vụ bạo lực đường phố trong những tuần gần đây đã khiến 8 người, trong đó có 1 cảnh sát, thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Chính phủ Thái Lan bày tỏ quan ngại về khả năng bạo lực đẫm máu tiếp tục gia tăng do người biểu tình không giảm các nỗ lực nhằm lật đổ gia đình Shinawatra.

Người biểu tình áo đỏ tập trung tại Bangkok thể hiện sự ủng hộ cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Người biểu tình áo đỏ tập trung tại Bangkok thể hiện sự ủng hộ cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

        Quân đội làm trung gian hòa giải

Thủ tướng tạm quyền Yingluck tuyên bố Chính phủ Thái Lan đủ khả năng để kiểm soát tình hình trước kế hoạch “đóng băng” Bangkok của phe đối lập. Bà Yingluck bày tỏ quan ngại rằng về một “thế lực thứ 3” có thể nhân cơ hội này để kích động bạo lực xung đột. Vì vậy, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan kêu gọi các đảng phái ngừng đối đầu, ngồi vào bàn đàm phán để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Bà Yingluck hiện đang đề nghị quân đội làm trung gian đàm phán giữa chính phủ và những người biểu tình. Theo bà, nhiệm vụ chính của quân đội là bảo vệ đất nước, nhưng trong tình trạng hiện nay, họ vẫn có thể đóng vai trò làm trung gian hòa giải. Chính phủ sẵn sàng ủng hộ bất cứ bên nào có thể góp phần khởi động đàm phán với người biểu tình.

Về đòi hỏi ngừng tổng tuyển cử và yêu cầu từ chức của phe biểu tình, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan tái khẳng định cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2-2 là rất cần thiết và bà sẽ tiếp tục giữ vị trí Thủ tướng tạm quyền để xúc tiến cuộc tổng tuyển cử và mở đường cho việc cải cách đất nước. Tuy nhiên, sự kiện chính trị trên có thể bị ảnh hưởng khi vừa qua Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) của Thái Lan đã đưa ra cáo buộc đối với 308 hạ và thượng nghị sĩ về những hành vi sai phạm liên quan tới việc sửa đổi Hiến pháp. Đa số các nghị sĩ bị cáo buộc đều ra tranh cử. Nếu họ bị kết tội, việc thành lập chính phủ mới sau bầu cử sẽ bị bế tắc do không có đủ số nghị sĩ cần thiết để triệu tập phiên họp đầu tiên. Theo luật định, Hạ viện mới sẽ phải triệu tập phiên họp đầu tiên gồm 95% trong tổng số 500 nghị sĩ để bầu ra Thủ tướng mới. Ngoài ra, Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) cũng quan ngại về tình hình bạo lực gia tăng có thể ảnh hưởng đến bầu cử. Trước tình hình trên trên, EC đã hối thúc chính phủ xem xét hủy cuộc bầu cử sắp tới.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục