* Hơn 20 cơ quan chính phủ bị chiếm đóng
Bất chấp Thủ tướng Yingluck Shinawatra vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 28-11, các cuộc biểu tình của lực lượng đối lập kéo sang ngày thứ 4 với mức độ lớn hơn và số trụ sở chính phủ bị chiếm nhiều hơn. Các chuyên gia cho rằng Thái Lan đang tới rất gần khả năng tái diễn khủng hoảng chính trị năm 2010.
Ưu thế ở quốc hội
Theo Bangkok Post, cuộc bỏ phiếu do đảng Dân chủ đối lập yêu cầu diễn ra sau 3 ngày tranh luận về khoản chi hơn 3,5 tỷ baht (108 triệu USD) trong đề án điều tiết xả lũ cũng như chính sách mua gạo giá cao của nông dân để tồn trữ. Với đa số ghế tại Hạ viện (299/492), đảng Puea Thai cùng một số đảng trong liên minh cầm quyền đã giúp Thủ tướng Yingluck Shinawatra dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do đảng Dân chủ đối lập chủ trương. Theo AFP, ngày 28-11, bà Yingluck chỉ cần 246 phiếu trong tổng số 492 phiếu là có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng bà đã nhận được tới 297 phiếu ủng hộ.
Trong lúc này, cuộc biểu tình tại Bangkok tiếp tục kéo dài sang ngày thứ 4 với số cơ quan chính phủ bị người biểu tình chiếm đóng đã lên đến hơn 20.
Theo AFP, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã lên truyền hình kêu gọi lực lượng biểu tình đối thoại để giải quyết bất đồng. Tuy nhiên, người biểu tình đã phản ứng mạnh hơn khi tràn vào trụ sở cảnh sát quốc gia và cắt điện tòa nhà này.
Liên hiệp quốc lo ngại
Mặc dù Thủ tướng Yingluck cho biết “chính quyền sẽ không mạnh tay với người biểu tình”, song cảnh sát đã ra lệnh bắt giữ ông Suthep Thaugsuban, nguyên Phó Thủ tướng và hiện lãnh đạo lực lượng biểu tình. Bản thân ông Thaugsuban thề sẽ chiến đấu đến chết. Nhiều chuyên gia cho rằng thật ra mâu thuẫn giữa lực lượng áo vàng (ủng hộ đảng Dân chủ đối lập) với lực lượng áo đỏ vẫn âm ỉ từ khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ từ năm 2006. Đó cũng là mâu thuẫn giữa một bên là tầng lớp trí thức trung lưu ở miền Trung với tầng lớp nông dân nghèo ở miền Bắc Thái Lan. Mọi việc chỉ chực chờ bộc phát, nhất là sau khi Chính phủ Thái Lan đưa ra Quốc hội dự luật ân xá nhằm dọn đường cho cựu Thủ tướng Thaksin trở về nước.
Phong trào biểu tình ở Thái Lan khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tỏ ý lo ngại bạo lực sẽ leo thang ở Bangkok. Một khi cuộc biểu tình của lực lượng đối lập kéo dài, nếu xảy ra bạo loạn, nhiều khả năng Chính phủ Thái Lan sẽ dùng vũ lực để giải tán, tương tự như những gì xảy ra vào năm 2010. Có khác là khi đó ông Thaugsuban trên cương vị Phó Thủ tướng phụ trách an ninh của chính phủ do đảng Dân chủ đứng đầu, là người trực tiếp ra lệnh cho cảnh sát giải tán đám đông biểu tình của lực lượng “áo đỏ”, dẫn đến hơn 90 người chết, hơn 1.800 người bị thương.
Bộ trưởng Giáo dục Chaturon Chaisang thừa nhận trên tờ The Nation rằng đảng Puea Thai đang đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan do cái bóng của cựu Thủ tướng Thaksin vẫn còn hiện diện trong chính phủ. Theo ông, đảng Puea Thai phải làm sao cân bằng ảnh hưởng của ông Thaksin với chính phủ. Ông Chaisang cho rằng bản thân bà Yingluck đang rất nỗ lực để thể hiện sự độc lập với người anh của mình.
Trong khi đó, theo Reuters, tình hình chính trị bất ổn của Thái Lan đang đe dọa đến nền kinh tế 366 tỷ USD của Thái Lan, lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Số liệu công bố ngày 27-11 cho thấy xuất khẩu giảm 0,7% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm 2012, giảm mạnh so với mức dự báo tăng 0,7% của các nhà kinh tế.
THỤY VŨ (tổng hợp)
- Thái Lan: Thủ tướng Yingluck vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm