Thám hiểm hang dung nham dài nhất Đông Nam Á

Đó là một buổi sáng cuối năm ở Cao nguyên Đắk Nông, mây trời bàng bạc phủ ánh sáng dịu dàng lên khắp dải núi rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sap. Chúng tôi gồm 3 người len lỏi theo lối mòn suốt 8km rồi vượt qua vạt rừng đầy cây gai cỏ dại, đặt chân tới một cửa hang phát lộ trên bãi đá bằng phẳng tựa như miệng núi lửa.
Thám hiểm hang dung nham dài nhất Đông Nam Á

Đó là một buổi sáng cuối năm ở Cao nguyên Đắk Nông, mây trời bàng bạc phủ ánh sáng dịu dàng lên khắp dải núi rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sap. Chúng tôi gồm 3 người len lỏi theo lối mòn suốt 8km rồi vượt qua vạt rừng đầy cây gai cỏ dại, đặt chân tới một cửa hang phát lộ trên bãi đá bằng phẳng tựa như miệng núi lửa.

Đây chính là cửa hang C7 nằm trong hệ thống động núi lửa Chư B’luk huyện Krông Nô bao gồm hơn 10 hang, đã được đoàn khảo sát hỗn hợp Việt - Nhật khảo sát đo đạc dài 1.066,5m và được công nhận dài và đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.

Thế nhưng, muốn xuống hang chúng tôi chỉ có cách duy nhất là dùng thang dây và chấp nhận đu mình, đong đưa bên bờ vực sâu không dưới 12 mét trước khi đạp chân tới bãi đá bazan bọt đang ẩn mình dưới thảm thực vật xanh rì và chung quanh là 3 cửa hang thẳng đứng theo vách đá. Đó là lý do mà trong quá khứ ngoại trừ các đoàn khảo sát và những người chuyên bắt dơi núi thì chưa ai dám xuống hang. 

Trước khi xuống được nền hang phải qua nhiều chặng: đu dây, leo trèo trên bãi đá bazan bọt.

Cấu trúc hang dung nham núi lửa được hình thành từ quá trình phun trào nham thạch rất khác biệt với sự tạo thành hang đá vôi. Nó dễ tạo cho chúng tôi cảm giác lo sợ bởi cái sâu thẳm và những bãi đá ngổn ngang trong lòng hang, như dấu hiệu cho biết đá trên trần hang có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Cũng may, thỉnh thoảng lòng hang lại được ánh nắng chiếu vào qua một vài hố khí tựa như giếng trời do khối khí thoát ra trong quá trình dòng nham thạch tuôn chảy khiến chúng tôi quên đi nỗi lo lắng.

Chất liệu đã góp phần tao nên sự ngạo nghễ và kỳ vỹ của C7 không chỉ là vòm hang với kích cỡ đồ sộ và tầng địa mạo xếp lớp với nhau minh chứng núi lửa phun trào nhiều đợt với thời điểm trước sau mà nó còn hội tụ nhiều vẻ đẹp đặc sắc: từ hình dáng cửa hang đến tổng chiều dài 1.066,5 m được phân nhánh trổ ra nhiều hướng, những vết trượt 2 bên vách hang trơn tru, đều đặn. Rồi tầng địa mạo ống trong ống, những dòng chảy phun ngược, những họa tiết, trống đá, nhũ đá đỏ xậm.

Mạo hiểm đu mình đong đưa trên thang dây để xuống hang C7.

Theo ông La Thế Phúc, Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam, hệ thống hang dung nham núi lửa Chư B’luk vùng Krông Nô có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, hội tụ đầy đủ các tiêu chí để thành lập công viên địa chất cấp quốc gia và hướng tới đề nghị UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu nên rất cần bảo vệ nguyên trạng như một bảo tàng ngoài trời.

TRẦN THẾ DŨNG

Tin cùng chuyên mục