Zahraa là bé gái xinh xắn ở Baquah, Iraq. Tuy nhiên, với các nhà chức trách, cô bé không tồn tại. Sinh ra từ mối quan hệ, thường là bị cưỡng bức, giữa một phụ nữ Iraq và chiến binh của một tổ chức Hồi giáo, những đứa trẻ tội nghiệp như không được nhà nước thừa nhận và là nỗi tủi hổ của gia đình.
Chuyện của Zahraa
Một đêm hè năm 2008, 6 tay súng Al Qaeda ở Iraq đã đột nhập vào nhà của một cô gái trẻ 18 tuổi ở Buhroz, gần Baquah. Một người đàn ông tự xưng là Abu Zahraa tuyên bố với anh trai của cô gái trẻ rằng họ có 3 lựa chọn: Gia nhập đội ngũ Al Qaeda; bị giết hoặc giao nộp mẹ và em gái. Sau lần đó, cô gái trẻ trở thành nô lệ tình dục cho Abu Zahraa. Tất nhiên, đó cũng chỉ là một cái tên giả vì những tay súng không bao giờ tiết lộ danh tính thật.
Khi biết mình có thai, cô gái trẻ đã nghĩ tới chuyện phá nó hoặc tự tử. Còn cha đứa trẻ đã biến mất từ vài tháng trước khi cô sinh con. Cô đặt tên con là Zahraa và thực sự vẫn hy vọng cha đứa bé sẽ quay về tìm.
Câu chuyện về sự ra đời của Zahraa và cuộc đời của bà, của mẹ Zahraa được mẹ cô bé, Um Zahraa, bà ngoại cùng các thành viên trong gia đình kể lại. Điều này cũng không phải dễ dàng bởi nhiều người đã từ chối kể hay khai rõ tên họ vì sợ bị trả thù. Giờ đây, những người như mẹ của Zahraa hầu như không bước chân ra khỏi nhà. Họ luôn mặc cảm, dằn vặt về quá khứ của mình. Họ sống trong đau khổ vì “không ai cho chúng tôi một cơ hội. Không ai hiểu rằng chúng tôi chỉ là nạn nhân”. Thường, họ giấu kín tung tích và chỉ kể với những ai tò mò rằng đó là đứa trẻ mồ côi và họ nhận nuôi nó từ hồi tí xíu.
Theo Noor, một tổ chức phi chính phủ ra đời cuối năm 2009 nhằm mục đích giúp đỡ phụ nữ và trẻ em Hồi giáo, có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đứa trẻ như Zahraa, tức được sinh ra mà không bao giờ được làm khai sinh chính thức. Hiển nhiên, không có một tài liệu nào chứng minh cô bé là con của một người Iraq và rằng cha mẹ chúng đã kết hôn trước khi sinh con. Zahraa và những đứa trẻ cùng cảnh ngộ không hề có bất kỳ quyền hạn nào như những người Iraq khác. Chúng không có giấy khai sinh, không hộ chiếu, không thẻ căn cước, không thể đến trường cũng như không kiếm nổi một công việc dù là hèn mạt nhất. Chúng bị xã hội ruồng bỏ và đang phải trả giá cho tội ác của cha chúng.
Thiếu chính sách
Những đứa trẻ này là sản phẩm của thời kỳ Al Qaeda kiểm soát nhiều vùng rộng lớn của đất nước Iraq sau khi Mỹ đưa quân vào năm 2003. Lúc này, hệ thống luật pháp đã lung lay, các cơ chế ngừng hoạt động và quân nổi dậy ngày càng điên cuồng. Nhiều người Iraq dòng Sunnite đã đồng ý chứa chấp các tay súng, bất kể chúng là người Iraq hay người Arab nước ngoài, vì nghĩ rằng những người đó sẽ giúp họ khỏi đụng độ với quân đội nước ngoài.
Chỉ một thời gian ngắn, Al Qaeda ở Iraq nhanh chóng kích động bạo lực tràn lan, thách thức các nhóm nổi dậy khác và tuyên bố nhà nước Hồi giáo áp dụng Luật Charia hà khắc. Ở tỉnh Diyala, Đông Bắc Iraq, có ít nhất 125 gia đình có con cái ra đời trong hoàn cảnh mẹ chúng bị một phiến quân khủng bố cưỡng bức. Phần lớn các bà mẹ không biết rõ nhân thân của các ông “chồng hờ” và nếu họ cương quyết đấu tranh đòi quyền lợi cho con cái mình, họ sẽ có nguy cơ bị bỏ tù vì có liên hệ với tổ chức bị cấm.
Việc thiếu vắng các chính sách ở đất nước càng làm cho việc quản lý bị buông lỏng. Hơn 6 tháng sau bầu cử lập pháp, đất nước vẫn chưa có chính phủ. Phần lớn phụ nữ bị ép cưới tay súng Al Qaeda là người dòng Sunnite. Họ rất sợ không được đối xử tử tế sau khi chính phủ với phần lớn người dòng Shiite ra đời và sẽ bị đối xử như tòng phạm của chồng. Các dịch vụ giúp đỡ nạn nhân chiến tranh của Bộ Nội vụ không coi họ là nạn nhân của xâm phạm tình dục trong thời chiến, ngay cả khi tình cảnh của họ rất đáng thương.
F.Al-Shweilli, quan chức Bộ Nội vụ, còn thẳng thừng tuyên bố: “Giúp đỡ những phụ nữ này có thể khiến Al Qaeda tiếp tục hành động như vậy nữa”. Theo các nhà làm luật, giải pháp đơn giản nhất là có thể gửi những đứa trẻ vô thừa nhận trên tới trại trẻ mồ côi hoặc làm khai sinh cho chúng với họ tên của một ông bố giả.
Về phần mình, các bà mẹ cũng không muốn ra trước tòa án đòi quyền lợi cho con mình nữa. Họ sợ phải nghe những lời phê phán vì cuộc hôn nhân cưỡng bức hay nhận thêm khinh rẻ dành cho những đứa con. Các gia đình phần lớn rất nghèo, không kiếm đủ khoản tiền 100-300 USD để làm giả giấy tờ khai sinh cho con. Cuộc sống của họ cứ dần đi vào bế tắc.
Vũ khí mới của Al Qaeda
Trong lúc những đứa trẻ tội nghiệp bị xã hội Iraq coi rẻ, Al Qaeda lại lợi dụng điều này để tiến hành chiến dịch luyện quân của mình. Ngoài việc công khai tuyển mộ trẻ em vào hàng ngũ, hàng chục trẻ em là con cái của Al Qaeda đã bị chính các chiến binh Al Qaeda tại Iraq bắt cóc với mục đích đào tạo thế hệ kế tiếp. Hầu hết các chiến binh Al Qaeda là người Iraq. Nhưng tình hình rối loạn hơn kể từ khi các tay súng đổ về Iraq từ các nước như Saudi Arabia, Syria, Jordan, Afghanistan, Yemen… để hợp sức chống lại lực lượng Mỹ. Tuy không có con số chính xác số trẻ em bị bắt cóc, nhưng thống kê của Noor ước tính đã có ít nhất 50 bé trai sơ sinh bị mất tích.
Theo Noor, hiện tượng này đang xảy ra thường xuyên hơn. Al Qaeda nghĩ rằng nếu được đào tạo từ nhỏ, thế hệ chiến binh mới sẽ cực kỳ trung thành với mục tiêu của tổ chức. Các bé bị bắt cóc luôn luôn là con trai. Thi thoảng, trong vài trường hợp, các ông bố Al Qaeda có quay về lại gia đình, nhưng rất hiếm. Cho đến khi Al Qaeda bắt đầu sử dụng trẻ em làm công cụ đánh bom tự sát (từ năm 2008) thì các ông bố xuất hiện, cướp con trai đi và không bao giờ trở lại.
Noor cho rằng nếu chính phủ vẫn tiếp tục thờ ơ mà không có biện pháp can thiệp, vấn đề sẽ trở nên cực kỳ nghiêm trọng, không chỉ đối với trẻ em và bà mẹ, mà là đối với cả đất nước Iraq cũng như cộng đồng quốc tế. Và nếu may mắn không bị bắt cóc, tương lai của những đứa trẻ không được thừa nhận kia cũng rất đen tối vì khả năng khi lớn lên “chúng sẽ trả thù xã hội đã làm chúng tổn thương” - lời khẳng định của ông A. Jassim, Giám đốc Quỹ Noor.
Hà Trang