
Họ là những người lính cơ thể mang đầy thương tích, may mắn sống sót sau những trận đánh ác liệt để bảo vệ non sông đất nước. Giờ đây, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, họ như chạy đua với thời gian và tuổi tác để đi tìm đồng đội. Theo tiếng gọi của trái tim, những người lính năm xưa lại vác ba lô, dành tất cả thời gian đi khắp các nẻo đường đất nước, len lỏi trong những cánh rừng sâu, vách đá cheo leo để tìm hài cốt đồng đội.
Thực hiện lời hứa cùng đồng đội
8 năm nay, công việc hàng ngày của thương binh 4/4 Nguyễn Viết Quản (64 tuổi) ngụ phường 2, quận 6, TPHCM là nghiên cứu quyển danh sách ghi thông tin liệt sĩ ở các nghĩa trang khu vực miền Nam để tìm tên đồng đội thuộc Trung đoàn 429 đã hy sinh. Sau đó, ông lại vác ba lô lên đường tìm kiếm.

Ông Lê Trường Giang (ngồi, ngoài cùng bên phải) trong một lần quy tập hài cốt liệt sĩ.
Những vết thương thời chiến tranh và tuổi già tưởng chừng quật ngã ông. Dù sức khỏe yếu là vậy nhưng không biết bao nhiêu lần, ông lại từ TPHCM xuống Quân khu 9 (khu vực ĐBSCL) rồi lên Quân đoàn 3 ở Tây Nguyên, trở về Quân đoàn 4 ở miền Đông Nam bộ, hay tìm đến sở LĐTB-XH các tỉnh để tìm thêm thông tin về đồng đội.
Đôi chân ông đã đi hầu hết các nghĩa trang liệt sĩ ở miền Đông, miền Tây Nam bộ hay trở về chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội, tìm nhân chứng để xác thực thông tin. Có những chuyến đi kéo dài gần 10 ngày hoặc nhiều hơn hay phải đi đi lại lại nhiều lần giữa các tỉnh, nhưng người thương binh ấy vẫn kiên trì để tìm bằng được thông tin chính xác của các liệt sĩ.
Ông bảo động lực của mình là vì lời hứa năm xưa khi chôn cất đồng đội hy sinh trong các trận đánh: “Hòa bình, nếu còn sống sẽ đi tìm đồng đội để đưa về quê hương”. Lời hứa cùng đồng đội ngày ấy luôn ở trong tiềm thức, nhưng đến khi nghỉ hưu, ông mới có cơ hội thực hiện. Số tiền lương hưu hàng tháng, ông trích ra một nửa để dành làm lộ phí lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng. Bằng cái tâm của người lính Cụ Hồ, cộng với sự cần mẫn, không ngại khó khăn, ông đã tìm ra 93 mộ liệt sĩ và đã giúp chi phí đưa 18 hài cốt liệt sĩ trở về quê hương an nghỉ.
Chân còn bước, còn đi tìm
Đôi chân ông Lê Trường Giang (Hội Cựu chiến binh phường 13, quận Tân Bình, TPHCM) vì bệnh tật và di chứng từ những vết thương thời chiến tranh nay đã mệt mỏi và không còn sức tự điều khiển xe máy. Nhưng không vì thế mà ông dừng bước. Không tự đi được bằng xe máy, ông bắt xe buýt, xe đò, xe ôm để đi về các chiến trường cũ tìm mộ liệt sĩ là những đồng đội của mình ngày xưa.
Khi có thông tin và biết nơi quy tụ mộ liệt sĩ, ông làm thông báo đến gia đình liệt sĩ nhằm lấy thêm thông tin chính xác nhất để giúp gia đình nhận được mộ người thân một cách nhanh chóng. Có những thông tin phải đi xác nhận rất nhiều nơi, nhưng với quyết tâm cao độ, ông không bỏ lỡ một thông tin nào về các liệt sĩ.
Có những gia đình đã mất 10 năm, thậm chí 20 năm tìm kiếm trong vô vọng, nhờ ông họ đã tìm được chồng, cha, con mình. Nhờ cách làm này, hơn 7 năm nay, ông đã tìm và quy tụ được 1.115 mộ liệt sĩ. Đồng hành cùng người lính già năm nay đã 70 tuổi trong công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ là cuốn ghi thông tin liệt sĩ mà ông sao chép được từ danh sách lưu giữ tại Quân khu 7.
Cộng với kinh nghiệm của một trinh sát giỏi, ông đã cẩn thận nghiên cứu, điều tra để tìm hiểu chính xác từng ngôi mộ liệt sĩ và thông báo để gia đình đến thăm viếng, thực hiện việc bốc mộ về quê hương.
Ông cho biết mình vốn là một trinh sát tham gia chiến trường nhiều năm, thông thạo địa hình, biết nhiều nơi chôn cất liệt sĩ, nay nếu mình không đi tìm thì thật có lỗi. “Tôi nghĩ mình được sống trong hòa bình, ấm no là nhờ cha ông, đồng đội tôi đã nằm xuống. Vậy trách nhiệm của người còn sống chính là giúp những vong linh anh hùng được trở về đúng quê hương. Đây là việc cần làm ngay, bởi lớp người từng cầm súng chiến đấu ở tuổi tôi không còn nhiều, e không làm sẽ không kịp”, ông tâm sự.
Có thể thấy, điểm chung của những người lính già ấy là làm công việc tìm kiếm mộ đồng đội một cách lặng lẽ bằng cả tấm chân tình, không mưu tính vụ lợi cho bản thân. Giờ đây, trăn trở của họ là sợ không có thời gian, sợ không còn nhân chứng để đối chiếu; sợ đồng đội còn nằm đâu đó lạnh lẽo, cô đơn.
Thái Phương