
Chúng tôi đi dọc theo QL14 lên Ngã Ba Đông Dương (Kon Tum) rồi làm thủ tục nhập cảnh tỉnh bạn Atôpư (Lào) mất đúng hai ngày. Đoàn xe caravan do Du lịch TNXP TPHCM (V.Y.C) tổ chức, di chuyển đến tỉnh Chămpasăk (Lào) rồi vượt sông Mê Kông sang tỉnh U Bon (Thái Lan).
Từ đây, chúng tôi lại hành quân 90km nữa đến bản Mạy thuộc tỉnh Nakhon Phanom để vào thăm nơi Bác Hồ từng sống và hoạt động giai đoạn 1928-1929. Bước chân vào nơi Bác từng ở, cây khế to đầu ngõ (ảnh 1) khiến chúng tôi nghĩ ngay đến cây khế trong khuôn viên trường Dục Thanh, cũng xanh mát và sai trái vô cùng. Cây khế này do chính tay Bác trồng, đã gần 80 tuổi.
Thật không ngờ ngay trên đất Thái, du khách phương Tây cũng đến thăm bản Mạy do lòng ngưỡng mộ Người. Vào bên trong nhà, gặp ông Võ Trọng Tiêu –Việt kiều - chúng tôi được biết gia đình ông vẫn giữ chiếc điếu cày, bộ ấm chén (ảnh 2) mà ngày xưa Bác từng sử dụng. Ngay cả chiếc mâm đồng, cái bàn ủi, đồng hồ, chõ xôi, radio… cũng được gia đình ông Tiêu lưu giữ.
Mỗi du khách đến bản Mạy, việc đầu tiên là thắp một nén hương lên bàn thờ nghi ngút khói, sau đó là thăm căn phòng Bác nằm, nơi vẫn còn ấm hơi Người qua chiếc nón (ảnh 3), bộ phản, cái áo tơi. Sau đó, du khách được ông Tiêu đưa ra vườn rau, ao cá mà Bác từng tăng gia sản xuất vào thời điểm khó khăn.
Chúng tôi tình cờ gặp nhóm Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đến thăm bản Mạy và xem rất nhiều hình ảnh về các vị lãnh đạo Thái Lan, Việt Nam từng đến nơi đây. Bên ngôi vườn xưa xanh mát, ông Tiêu xúc động kể: “Lúc đó tôi 8 tuổi, vẫn nhớ Bác cao to lắm, đẹp lắm và ai cũng gọi Bác theo bí danh Thầu (già) Chín.
Ngày nào tôi cũng giúp Thầu Chín tưới rau, bắt cá, làm ruộng để cải thiện cuộc sống vì Việt kiều ta lúc đó nghèo lắm. Cuối tháng 11-1929, Bác chia tay bà con sang Trung Quốc, rồi về Việt Nam lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Người Việt trên đất Thái luôn nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh”.



HƯƠNG LY