Tham nhũng trong quân đội Iraq

Ngày 1-12, sau khi câu chuyện trả lương cho 50.000 “binh sĩ ma” của Bộ Quốc phòng Iraq được công bố, dư luận nước này rất phẫn nộ vì sự tắc trách của giới chức quân đội đã tạo kẽ hở cho tham nhũng hoành hành. Thủ tướng Iraq al-Abadi lập tức tuyên bố tập trung chống tham nhũng triệt để nhất.

Ngày 1-12, sau khi câu chuyện trả lương cho 50.000 “binh sĩ ma” của Bộ Quốc phòng Iraq được công bố, dư luận nước này rất phẫn nộ vì sự tắc trách của giới chức quân đội đã tạo kẽ hở cho tham nhũng hoành hành. Thủ tướng Iraq al-Abadi lập tức tuyên bố tập trung chống tham nhũng triệt để nhất.

“Danh sách ma” bị lộ sau một cuộc điều tra việc đếm đầu người trong đợt trả lương mới nhất cho quân đội. Điều tra cho thấy có 2 loại binh sĩ giả. Thứ nhất, mỗi sĩ quan quân đội có 5 binh lính bảo vệ, 2 người làm việc thật sự còn 3 người được thỏa thuận nghỉ việc và nhận một phần lương. Số lương còn lại của 3 binh lính này rơi vào túi vị sĩ quan. Loại thứ hai có quy mô lớn hơn, ở cấp tiểu đoàn. Người chỉ huy tiểu đoàn quản lý từ 30 đến 40 binh sĩ trở lên và những người này cũng ở nhà hoặc không tồn tại. Trong danh sách này còn có tên những binh sĩ đã chết trong thời gian gần đây. Theo một sĩ quan có kinh nghiệm, chính vì mục đích tham nhũng trên đồng lương của binh lính nên Iraq hiếm khi công bố chính xác số liệu binh sĩ đào ngũ hoặc hy sinh.

Theo ước tính, với mức lương trung bình khoảng 600 USD/tháng, nạn lính “ma” có thể khiến Iraq thất thoát ít nhất 380 triệu USD/năm. Ông Hamid al-Mutlaq, thành viên Ủy ban an ninh và quốc phòng của Quốc hội Iraq, cho biết: “Số tiền thất thoát có thể gấp 3 lần con số này”.

Theo Los Angeles Times, thông tin này sẽ gây không ít khó khăn cho chính quyền mới của Thủ tướng al-Abadi trong việc làm trong sạch hóa lực lượng quân đội vốn chịu nhiều chỉ trích dưới thời cựu Thủ tướng al-Maliki. Lực lượng quân đội Iraq ngày càng lúng túng trong việc đối phó chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do không chuyên tâm tập luyện mà chỉ hối lộ cấp trên để được tự do làm việc khác. Theo cáo buộc từ những binh sĩ dưới thời ông al-Maliki, việc quản lý lỏng lẻo còn khiến một số bộ phận trong quân đội dễ dàng thao túng số tiền mà Chính phủ Mỹ dùng để hỗ trợ lực lượng quốc phòng tại Iraq. Tham nhũng tràn lan trong quân đội Iraq được cho là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của 4 trong số 14 sư đoàn quân đội nước này trước những đợt tấn công dữ dội của IS.

Theo Hiến pháp Iraq, cũng như cựu Thủ tướng al-Maliki, Thủ tướng Al-Abadi là người nắm giữ chức vụ Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang. Kể từ sau khi nhậm chức vào tháng 9 năm nay, Thủ tướng al-Abadi đã đặt kế hoạch cải tổ quân đội Iraq lên hàng đầu nhằm củng cố hoạt động của quân đội trên cơ sở chuyên nghiệp hóa và chống tham nhũng dưới mọi hình thức. Giữa tháng 11, ông al-Abadi đã sa thải 26 chỉ huy quân đội và 10 sĩ quan khác sau khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng.

Trang tin InHomelandSecurity cho rằng Chính phủ Mỹ nên suy xét về khoản tiền 1,2 tỷ USD chuẩn bị rót vào việc huấn luyện binh sĩ Iraq chống lại IS. Washington đã chi trên 20 tỷ USD hỗ trợ quân đội Iraq kể từ lúc can thiệp quân sự vào nước này hồi năm 2003 cho đến khi lính Mỹ rút khỏi nước này vào cuối năm 2011. Sự thiếu minh bạch trong quản lý những khoản tiền hỗ trợ tại Iraq sẽ khiến nước Mỹ phải chịu tổn thất không nhỏ. Nhưng Iraq còn phải chịu tổn thất lớn hơn vì nước này sẽ không thể đảm bảo được an ninh đất nước khi không thể loại trừ được nạn tham nhũng trong quân đội.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục