Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp

Đã có những chuyển biến tích cực

Ngày 30-11, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chủ trì hội nghị.

Đã có những chuyển biến tích cực

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trương Vĩnh Trọng cho rằng, với những quyết tâm, nỗ lực, cố gắng cao của toàn hệ thống chính trị, trong nhiệm kỳ qua, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực trên cả nhận thức và hành động, đạt được kết quả nhất định trong phòng ngừa và xử lý tham nhũng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế.

So với thời gian trước đây, quyết tâm và hiệu quả của công tác PCTN đã có tiến triển. “Kết quả của công tác PCTN thể hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn; khẳng định quyết tâm, năng lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PCTN là khả thi; góp phần củng cố lòng tin của nhân dân, nâng cao uy tín của nước ta đối với cộng đồng quốc tế” – đồng chí Trương Vĩnh Trọng khẳng định.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tại hội nghị, trong 4 năm (2007 - 2010), cả nước có 276 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Qua đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Cũng trong 4 năm qua, toàn ngành thanh tra đã triển khai 53.954 cuộc thanh tra, kết thúc 48.649 cuộc. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều tổ chức, các nhân vi phạm; kiến nghị xử lý hành chính 1.300 tập thể, 11.022 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 439 vụ việc.

Từ năm 2006 đến năm 2010, cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 138 cuộc kiểm toán đối với các bộ, cơ quan Trung ương, 140 cuộc với các tỉnh, thành phố; 89 cuộc kiểm toán trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và chương trình mục tiêu quốc gia; 117 cuộc kiểm toán đối với doanh nghiệp, ngân hàng...

Qua đó đã phát hiện, kiến nghị xử lý, làm tăng thu ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu, giúp Ban Bí thư tổ chức kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách, đất đai, tài nguyên... Đã kiểm tra một số tập đoàn kinh tế lớn, phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm của Tập đoàn Than – Khoáng sản, Vinashin...

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định, công tác PCTN là việc làm thường xuyên, thường trực; không tách rời khỏi công tác chỉ đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước. “Việc thực hiện công tác PCTN tốt hay không cũng thể hiện bản lĩnh của các cấp ủy và người đứng đầu ở mỗi địa phương, mỗi bộ ngành” – đồng chí Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

Tham nhũng vẫn là một trong những thách thức lớn

Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong nhiệm kỳ tới, theo đồng chí Vũ Tiến Chiến, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, thời gian tới cần khẩn trương ban hành quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, công khai tài sản một số chức danh chủ chốt trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; công khai tài sản của cán bộ, công chức khi được đề bạt, bổ nhiệm và tham gia ứng cử khi bầu cử; có cơ chế để xác minh, thẩm định việc kê khai tài sản, thu nhập.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá cao quá trình thực hiện cũng như những kết quả đạt được trong công tác PCTN nhiệm kỳ qua. “Tuy nhiên, với tinh thần nghiêm túc và thẳng thắn, chúng ta đều thấy rằng, mặc dù đã có nhiều cố gắng, quyết tâm và đã đạt được một số kết quả bước đầu, song công tác phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản; tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp; nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục, chưa ngăn chặn...” – đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, tham nhũng tiếp tục vẫn là một trong những thách thức lớn, là một trong những nguy cơ mà Đảng luôn cảnh báo. Đây là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mỗi cán bộ, đảng viên trong tất cả các tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở phải thật sự gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh này thì mới xoay chuyển được tình hình.

Trong chỉ đạo, cần phải chọn trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực thường dễ xảy ra tham nhũng như: đất đai, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công, thuế, hải quan, tài nguyên khoáng sản; các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước... Hoàn thiện cơ chế kiểm soát thu nhập và minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; quy chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền các cấp để xảy ra tham nhũng trong tổ chức mình phụ trách.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục