Thăm nơi Thánh Gióng về trời

Thăm nơi Thánh Gióng về trời

Khu di tích lịch sử Đền Sóc thuộc xã Phù Linh – huyện Sóc Sơn (Hà Nội), là nơi thờ Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của người Việt. Đây được coi là địa điểm văn hóa tâm linh thiêng liêng của người dân Hà Nội và cả nước.

Thăm nơi Thánh Gióng về trời ảnh 1

Khu di tích Đền Sóc.

Quần thể di tích Đền Sóc được xây dựng từ đời Tiền Lê (năm 980), đã qua 13 lần trùng tu lớn nhỏ. Khu di tích hiện nay có 6 nơi thờ: Đền Trình thờ thần linh núi Sóc, Đền Mẫu thờ mẹ thân sinh Thánh Gióng, Đền Thượng thờ Phù Đổng Thiên Vương, chùa Đại Bi thờ Phật, Lăng bia đá ghi sử tích và tích hội và chùa Non thờ Phật.

Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến khu di tích Đền Sóc là rừng thông xanh bạt ngàn bao phủ xung quanh, tạo nên một khung cảnh yên tĩnh, thanh bình.

Ở đó, mỗi chi tiết đều hiện lên câu chuyện thần thoại Thánh Gióng mà người Việt nào cũng thuộc lòng. Bắt đầu từ những bậc thang đá dẫn du khách lên thăm chùa Đại Bi và đền Thượng. Điểm đầu dừng chân là đỉnh núi nhỏ có lăng bia đá, tương truyền ngày xưa là nơi Thánh Gióng đánh xong giặc ngồi nghỉ và cởi bỏ áo giáp.

Vẫn còn Hòn Đá Trồng tương truyền là áo giáp của Thánh Gióng để lại ngang núi. Trên đỉnh núi Đá Chồng, nơi tương truyền Thánh Gióng cưỡi ngựa bay lên trời vẫn còn bãi đất bằng phẳng chỉ có cỏ mọc. Tại đây, vào tháng 1-2008 đã diễn ra lễ đặt đá khởi công xây dựng tượng đài Thánh Gióng.

Được biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thầu công trình và thực hiện theo hướng xã hội hóa, hiện vẫn  tích cực quảng bá để quyên góp về vật chất, tinh thần trong và ngoài nước. Trên đường lên thăm nơi ông Gióng về trời có một con đường nhỏ dẫn qua khu chùa Non Nước, ngôi chùa cổ vừa mới được tôn tạo, nổi tiếng với bức tượng Phật bằng đồng liềân khối cao 6,5m, nặng 30 tấn.

Năm 2007 có 150.000 lượt người đến với Đền Sóc, tăng gấp 2 lần so với các năm trước. Theo lời ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm du lịch di tích đền Sóc Sơn, dự án bảo tồn khu di tích nhằm đưa khu di tích Đền Sóc thành khu du lịch văn hóa tâm linh cũng đang được hoàn thiện, phấn đấu hoàn thành trước dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Hòa Bình

Tin cùng chuyên mục