Tham vọng của điện ảnh Philippines

Tham vọng của điện ảnh Philippines

Một nhóm thanh niên lái xe xuống một con đường tối không bóng người qua lại. Động cơ xe bất ngờ bị hỏng. Họ buộc phải đi bộ trong bóng đêm mà không biết hiểm nguy đang rình rập. Đó là lời giới thiệu về The Road, một tác phẩm điện ảnh của các nhà làm phim Philippines. Bộ phim thuộc thể loại kinh dị nhận được sự đánh giá cao của các nhà phê bình điện ảnh tại Mỹ và lọt vào mắt xanh của Freestyle Releasing, nhà phân phối phim có trụ sở tại Los Angeles, Mỹ. Ngày 11-5, bộ phim chính thức khởi chiếu tại tất cả các rạp phim Bắc Mỹ.

Một rạp chiếu phim tại Philippines.

Một rạp chiếu phim tại Philippines.

Annette Gozon-Abrogar, Chủ tịch Công ty Sản xuất phim GMA Films (Philippines), cho biết đây là bộ phim đầu tiên của quốc gia Đông Nam Á này được trình chiếu tại Mỹ. Nếu The Road chinh phục được khán giả Mỹ, đây sẽ là cơ hội để điện ảnh Philippines thâm nhập vào thị trường Bắc Mỹ màu mỡ và mang lại luồng sinh khí mới cho nền công nghiệp điện ảnh của Philippines.

Đây thực sự là cơ hội tốt cho điện ảnh của Philippines. Từ những năm 1960 đến những năm 1990, khoảng 140 bộ phim/năm được sản xuất và trình chiếu tại Philippines. Tuy nhiên, theo Hội đồng thống kê quốc gia Philippines, sau những thập kỷ vàng son đó, số phim sản xuất giảm phân nửa, khoảng 73 bộ phim/năm.

Năm 2011, chỉ có 1/3 trong tổng số 229 bộ phim được trình chiếu tại các rạp là do các nhà làm phim Philippines sản xuất. Phần lớn số phim còn lại đều nhập khẩu từ Hollywood.

Vì đâu nền công nghiệp điện ảnh Philippines lại đi xuống như vậy?

Tương tự nhiều quốc gia đang phát triển tại châu Á, nạn sao chép băng đĩa lậu, ăn cắp bản quyền là nguyên nhân chính khiến nền nghệ thuật thứ bảy của Philippines xuống dốc. Khán giả đến rạp chi khoảng 120 peso (khoảng 2,8 USD) cho 1 vé vào cửa. Tuy nhiên, họ có thể thưởng thức tác phẩm đó ở nhà với một đĩa phim DVD chất lượng cao với giá chỉ 40 peso.

Viện Hàn lâm điện ảnh Philippines ước tính ngành công nghiệp sản xuất phim của nước này mất khoảng 4 tỷ peso năm 2011 do ăn cắp bản quyền.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc ngành sản xuất phim Philippines khó phát triển là do thuế đánh vào ngành này rất cao. Trong 2 thập kỷ qua, các nhà làm phim Philippines phải đóng thuế đến 42%, trong đó 30% doanh thu và 12% thuế giá trị gia tăng. Pepe Diokno, nhà sản xuất và đạo diễn bộ phim Clash từng đoạt giải Luigi De Laurentiis tại LHP Venice năm 2009, cho rằng thuế nặng đã giết ngành công nghiệp điện ảnh.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào năm 2009 khi thuế doanh thu đánh vào các nhà sản xuất giảm 10%. Cùng với sự phát triển của các thiết bị kỹ thuật số, làn sóng các nhà sản xuất phim độc lập tại Philippines xuất hiện. Yam Laranas, đạo diễn của The Road, cho hay 10 năm trước, việc làm phim độc lập không hề khả thi do chi phí sản xuất quá cao. Giờ đây, với sức mạnh của công nghệ, rất nhiều phim độc lập ra đời.

Minh chứng cho sự thành công dòng chảy mới này là bộ phim Zombadings. Bộ phim kinh dị nói về xung đột giữa các thây ma đồng tính với hiệu ứng âm thanh, hình ảnh đặc sắc đã thu được 30 triệu peso từ phòng vé. So với mức 400 triệu peso doanh thu từ các phim Hollywood, con số 30 triệu peso không thấm tháp là bao nhưng đã đánh dấu sự trở lại của nền điện ảnh Philippines.

Giờ đây, với The Road, điện ảnh Philippines đang mơ về một ngày chinh phục và tìm được chỗ đứng tại thị trường giải trí lớn nhất thế giới.

Đỗ Cao

Tin cùng chuyên mục