Tháng 5-2016, Đại hội đảng Lao động Triều Tiên đã thông qua nghị quyết, theo đó Triều Tiên sẽ phát triển kinh tế cùng với phát triển “lực lượng tự vệ hạt nhân cả về chất lượng và số lượng”. Một tháng sau, ngày 22-6, Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa Musudan, đi cùng tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng, tên lửa nước này có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương càng làm tăng thêm lo ngại về bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.
Tên lửa Triều Tiên có tiến bộ?
Theo thông tin từ Triều Tiên, tên lửa Musudan được thiết kế có tầm bắn từ 2.500 - 4.000km, có thể bao trùm khu vực rộng lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản tới lãnh thổ Guam của Mỹ.
Theo ông Lee Choon-geun, nhà phân tích tại Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc: “Chúng ta phải xem vụ thử ngày 22-6 là thành công vì chưa bao giờ tên lửa của Triều Tiên bay cao như thế”. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani xác nhận, tên lửa Musudan đạt độ cao 1.000km, chứng tỏ đã có tiến bộ trong chương trình tên lửa của Triều Tiên. Các chuyên gia thì cho rằng, sở dĩ Musudan có thể đạt độ cao như vậy vì Triều Tiên dường như cố tình hướng tên lửa theo chiều thẳng đứng để tránh đi vào không phận Nhật Bản. Theo Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury, California: “Điều đó cho thấy tên lửa Musudan hoạt động hoàn hảo. Nếu đặt ở chiều ngang, nó có thể phóng xa hơn 400km”. Vẫn theo ông Lewis, Triều Tiên sẽ khắc phục các vấn đề kỹ thuật của Musudan và sau đó sử dụng nó để tăng mối đe dọa đối với Mỹ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xem đầu đạn dùng để gắn vào tên lửa
Theo thống kê của Mỹ, Triều Tiên có đến 30 tên lửa Musudan, trong đó chiếc đầu tiên được triển khai khoảng năm 2007, nhưng chỉ mới thử nghiệm hồi tháng 4-2016.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với sự hỗ trợ của Trung Quốc, đồng minh lớn của Triều Tiên, đã áp đặt lệnh trừng phạt mới trong tháng 3-2016 sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư và phóng một tên lửa tầm xa. Những lần phóng tên lửa và thử hạt nhân trước đó của Bình Nhưỡng cho thấy nước này tiếp tục bất chấp cảnh báo quốc tế và một loạt nghị quyết và các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Theo đuổi chương trình tên lửa
Theo ông Jean-Vincent Brisset, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) có trụ sở ở Paris, vụ thử tên lửa Musudan ngày 22-6 đòi hỏi sự chuẩn bị lâu dài. Vì vậy, làm thế nào Triều Tiên có thể phát triển tên lửa trong bối cảnh chịu nhiều biện pháp trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt? Theo ông Brisset, tên lửa của Triều Tiên đã bắn gần giống với các loại dùng để phóng vệ tinh Pháp Diamond trong những năm 1960-1970. Theo ông, công nghệ này đã có 45 năm qua và không phải quá khó đạt được khi dành nguồn lực lớn để nghiên cứu.
Cũng theo ông Brisset, chương trình tên lửa của Triều Tiên chủ yếu là kết quả của các kỹ sư Triều Tiên với sự tham gia ít ỏi của cộng đồng khoa học tên lửa hạt nhân “ngầm” đến từ Iran, Pakistan và Syria thực hiện. Nhưng đến lúc này chỉ còn những nhà khoa học Triều Tiên đảm trách.
Song song với phát triển tên lửa là chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Từ năm 1948, Triều Tiên đã xem chương trình tên lửa và hạt nhân là một trong những sức mạnh để bảo vệ nước này. Chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên được cho là khởi sự từ năm 1962, khi bán đảo Triều Tiên bắt đầu quân sự hóa. Năm 1963, Triều Tiên yêu cầu Liên Xô giúp đỡ trong việc phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng bị từ chối. Liên Xô chỉ đồng ý giúp Triều Tiên phát triển chương trình năng lượng hạt nhân hòa bình, bao gồm cả việc đào tạo các nhà khoa học hạt nhân. Các chuyên gia Liên Xô đã tham gia vào việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon và bắt đầu xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu IRT-2000 vào năm 1963. Năm 1979, Triều Tiên xây dựng ở Yongbyon một lò phản ứng nghiên cứu thứ hai.
Theo Thỏa thuận khung 1994, Chính phủ Mỹ đã đồng ý để tạo thuận lợi cho việc cung cấp hai lò phản ứng nước nhẹ cho Triều Tiên để đổi lấy việc giải trừ vũ khí của Triều Tiên. Vào năm 2002, thỏa thuận đổ vỡ. Pakistan đã thừa nhận rằng Triều Tiên đã tiếp cận với công nghệ hạt nhân của Pakistan vào cuối năm 1990.
Trang mạng 20minutes.fr dẫn nguồn từ Viện Khoa học và An ninh quốc tế (ISIS, Mỹ) cho biết, Bình Nhưỡng có thể đã đẩy nhanh sản xuất bom hạt nhân trong 18 tháng qua, đưa kho vũ khí của nước này ít nhất có đến 21 quả bom hạt nhân. Ước tính này dựa trên đánh giá về số lượng plutonium và uranium quân sự mà Triều Tiên có thể đã có được từ lò phản ứng hạt nhân Yongbyon. Ước tính này không bao gồm sự đóng góp tiềm năng của nhà máy làm hạt nhân thứ hai có thể đã được xây dựng để sản xuất uranium.
Theo ISIS, đến hết năm 2014, Triều Tiên có khoảng từ 10 - 16 vũ khí hạt nhân. Dựa trên phân tích các hình ảnh vệ tinh, Tổng thư ký của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano tuần trước cho biết, Bình Nhưỡng dường như đã kích hoạt lại nhà máy Yongbyon để tái xử lý plutonium sản xuất vũ khí hạt nhân.
Lò phản ứng Yongbyon đã đóng cửa vào năm 2007 như một phần của thỏa thuận giải trừ quân bị để đổi lại viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, Triều Tiên bắt đầu nối lại các hoạt động hạt nhân vào năm 2013.
Triều Tiên đã tiến hành hàng loạt thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo: - Ngày 29 và 30-5-1993: Thử nghiệm tên lửa Nodong Triều Tiên. - Ngày 5-7-2006: Thử nghiệm tên lửa Taepodong-2 không thành công. - Ngày 4 -7-2009: Thử nghiệm 7 tên lửa tầm ngắn. - Ngày 12-12-2012: Phóng thành công vệ tinh Kwangmyŏngsŏng-3 Unit 2 - Năm 2013: Năm cao điểm thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, tạo nên cuộc - Tháng 6-2014: Thử nghiệm thành công tên lửa Nodong-1 - Tháng 5-2015: Tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa bắn từ tàu ngầm. - Tháng 1-2016: thử nghiệm thành công bom hydro. - Ngày 7-2-2016: Phóng thành công vệ tinh Kwangmyŏngsŏng-4 . - Tháng 4-2016: 4 lần thử nghiệm thất bại tên lửa tầm xa Musudan. - 4 lần thử nghiệm hạt nhân từ ngày 9-10-2006 đến 6-1-2016. |
KHÁNH MINH (tổng hợp)