Myanmar quyết tâm mở cửa, cải cách. Biểu hiện cụ thể nhất là việc Quốc hội phê chuẩn Luật Đầu tư nước ngoài vào tháng 9 vừa qua. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nắm đến 50% cổ phần trong các liên doanh với đối tác trong nước. Quyết định này được cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa của Myanmar vốn nhận được nhiều sự kỳ vọng vẫn còn trong giai đoạn “thử lửa”. Trong khi nhiều nước láng giềng đã lên kế hoạch đầu tư vào Myanmar thì các quốc gia phương Tây vẫn còn thận trọng. Financial Times có bài viết “Phương Tây còn chậm chân tìm đến Myanmar”. Vì lý do khách quan, phương Tây đang chật vật vượt qua khủng hoảng kinh tế hay Myanmar chưa thật sự sẵn sàng?
Trong bài viết này, Giáo sư Aung Tun Thet, người tư vấn chiến lược kinh tế cho Tổng thống Myanamar, đề cập đến việc Mỹ và châu Âu không ngừng yêu cầu Myanmar tiếp tục đưa ra thêm các khoản ưu đãi. Họ đang ở ngưỡng ngấp nghé, quan sát một tiến trình cải tổ thật sự trong bối cảnh các cuộc bầu cử ở Myanmar đang đến gần, dự kiến diễn ra vào năm 2015. Điều họ quan ngại là sự ổn định chính trị, hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng ở Myanmar. Hơn nửa thế kỷ khép cửa, Myanmar không thể một lần mà thay đổi tất cả. Vì thế, trong đạo luật nói trên, nước này vẫn phải bảo đảm quyền kiểm soát chặt chẽ các khoản lợi nhuận từ các công ty nước ngoài làm ăn với mình. Điều này chắc chắn “đụng chạm” đến việc kinh doanh của các tập đoàn lớn, hoạt động đa quốc gia vốn không phải lúc nào cũng sòng phẳng về chuyện chia sẻ lợi nhuận. Thực tế, việc trốn thuế dưới nhiều hình thức của các tên tuổi lớn khi làm ăn ở thị trường mới nổi, thậm chí là ở các nước phát triển là khá phổ biến. Aung Tun Thet có đưa ra dẫn chứng về việc Trung Quốc đầu tư đến 14,1 tỷ USD vào Myanmar, chiếm hơn 40% trên tổng số đầu tư tính đến cuối tháng trước. Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên môn, việc đầu tư này không đơn thuần chỉ vì mục đích kinh tế mà còn vì nhiều lợi ích khác mà Trung Quốc nhắm đến. Do đó, lấy điều này để so sánh với tốc độ đầu tư của phương Tây vào Myanmar là so sánh khập khiễng.
Myanmar nhìn nhận đầu tư nước ngoài không chỉ có ý nghĩa xây dựng nền kinh tế mà còn giải quyết các vấn đề xã hội ở một quốc gia mà các dịch vụ xã hội đã xuống cấp nghiêm trọng trong thời gian quá dài. Tổng thống Thein Sein kêu gọi các công ty dược phẩm và sản xuất thiết bị y tế đa quốc gia đầu tư vào Myanmar để đối phó với nạn thuốc giả tràn vào nước này từ Ấn Độ, Bangladesh và Thái Lan. Dù rất cần các khoản đầu tư nước ngoài nhưng Myanmar vẫn phải đặt lợi ích quốc gia lên trước tiên. Một số công ty lớn tại Myanmar vừa phải vật lộn với tình trạng thiếu tiền mặt hàng thập kỷ, cố gắng xoay xở trong khi bị phương Tây cấm vận, nay phải tiếp tục gồng mình cạnh tranh với các “đại gia” như: Coca-Cola, Nissan… thì quả không dễ dàng.
Chuyển giao chính quyền của quân đội sang chính quyền dân sự cần một thời gian dài để Myanmar lột xác. Nhất là khi nền kinh tế nước này vẫn còn phụ thuộc vào phần lớn từ nông nghiệp (hơn 40%). Giáo sư Aung Tun Thet cũng thừa nhận, mở cửa nhưng vẫn có những giới hạn nhất định. Đây là cơ hội để Myanmar và các đối tác thử thách lòng tin và sự cam kết gắn bó lâu dài, vì lợi ích đôi bên.
NHƯ QUỲNH