Cắt niêm phong, “rút ruột” container
Ông Nguyễn Thanh Long, Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1, cho biết, lợi dụng sự thông thoáng về chính sách đối với hàng quá cảnh, một số doanh nghiệp (DN) đã đưa hàng nhập lậu vào trong nước tiêu thụ. Tính riêng từ tháng 7-2020 đến nay, Đội Giám sát và Kiểm soát hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã xử phạt 19 trường hợp vi phạm hành chính liên quan hàng quá cảnh, trong đó có trường hợp buộc tái xuất hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Các lỗi vi phạm gồm: không khai báo hải quan, khai báo sai về tên hàng, số lượng, trọng lượng, xuất xứ, sở hữu trí tuệ, giấy phép, kiểm dịch… Đáng chú ý, các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng hình thức quá cảnh để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng phải có giấy phép, cắt niêm phong bảo mật (seal), đánh tráo hàng hóa quá cảnh, tiêu thụ hàng quá cảnh tại thị trường Việt Nam… Nhiều trường hợp các đối tượng vận chuyển ngược hàng hóa quá cảnh sau khi qua biên giới vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Thống kê nhanh từ Cục Hải quan TPHCM, mỗi năm Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 làm thủ tục cho khoảng 68.000 tờ khai và khoảng 138.000 container hàng quá cảnh bằng phương tiện đường bộ và đường thủy nội địa. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2020, chi cục đã làm thủ tục 30.627 tờ khai, 70.208 container, trong đó hàng quá cảnh bằng phương tiện thủy nội địa là 1.564 tờ khai, 28.548 container (chiếm khoảng 5,1% lượng tờ khai và 40,7% lượng container), tăng khoảng 2% về lượng tờ khai và tăng 10% về lượng container so với năm 2019. Với số lượng hàng hóa cập cảng lớn như vậy, các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát càng phải được thực hiện chặt chẽ hơn. Trước đó, Hải quan TPHCM từng phát hiện vụ “rút ruột” hàng bách hóa trị giá khoảng 36.000 USD quá cảnh từ cảng Cát Lái về cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh. Công ty T.N. khai báo hàng bách hóa mới 100%, nhưng qua thực tế kiểm tra, hải quan phát hiện niêm phong container hàng bị cắt, trong container rỗng.
Kiểm tra, đối chiếu seal
Để hạn chế tình trạng gian lận thương mại “núp bóng” hàng quá cảnh, mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 đã đề nghị Tổng công ty Tân Cảng xếp dỡ hàng hóa quá cảnh vào khu vực riêng biệt để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan. Công ty phải thông báo cho chi cục biết vị trí, diện tích, số lượng container, sơ đồ vị trí mặt bằng, hệ thống camera giám sát tại địa điểm để chi cục khảo sát vị trí (hiện tại chỉ có cảng mở là địa điểm lưu giữ hàng hóa quá cảnh, trung chuyển); thông báo cho chi cục danh sách container hàng hóa quá cảnh khi xếp dỡ vào cảng, danh sách container hàng quá cảnh tồn đọng tại cảng… Mục đích giúp chi cục chủ động trong việc kiểm tra, thực hiện thủ tục cho DN; sắp xếp container sao cho mặt container có seal (niêm phong bảo mật) hãng tàu hướng ra ngoài để thuận tiện cho công chức hải quan kiểm tra, đối chiếu seal. Đối với phương tiện vận chuyển ra vào, neo đậu tại cảng thì phải thông báo cho chi cục biết tên, số hiệu phương tiện, ngày giờ ra vào cảng, lý do để chi cục biết, tổ chức thực hiện việc giám sát việc xếp dỡ hàng hóa của phương tiện tại cảng. Đối với DN kinh doanh dịch vụ hàng quá cảnh, phải chủ động phối hợp với DN kiểm tra seal vì DN là người vận chuyển có trách nhiệm vận chuyển và giao hàng cho người nhận.
Trường hợp sai seal, đứt seal, mất seal thì phải thông báo cho công chức hải quan, DN kinh doanh cảng biết để phối hợp xử lý. Ngoài ra, DN phải thực hiện đúng quy định về việc làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh; không được di chuyển phương tiện sang cảng khác để xếp dỡ, chuyển tải, sang mạn hàng hóa; không neo đậu, dừng phương tiện để xếp dỡ, chuyển tải, sang mạn hàng hóa trong quá trình vận chuyển… Việc kiểm tra, đối chiếu seal hãng tàu, đề nghị các bên phối hợp với chi cục thực hiện kiểm tra tại bãi container, hạn chế việc kiểm tra tại cầu tàu nhằm đảm bảo an toàn lao động và không làm ảnh hưởng đến việc xếp dỡ hàng hóa lên phương tiện vận chuyển.
Thêm nữa, theo Cục Hải quan TPHCM, để quản lý chặt chẽ hàng quá cảnh thì bắt buộc các phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (seal định vị); đồng thời chia sẻ thông tin về hàng hóa các loại cho cơ quan giám sát, quản lý. Thế nhưng, thông tin từ một cán bộ chuyên trách tại Hải quan TPHCM, việc kiểm tra seal định vị không dễ. “DN có cung cấp mật khẩu nhưng cán bộ hải quan không vô được. Thành ra quy định đã có nhưng chưa thể làm”, một cán bộ Hải quan TPHCM bức xúc.