Ngày 25-11, tổng kết phiên thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát lại tất cả chế định để có thể phản ánh được ý kiến của các đại biểu QH nhằm hoàn thiện dự thảo, trình lấy ý kiến nhân dân vào tháng 1-2015.
Không sửa những gì đã ổn định, không gây bức xúc
Về vị trí, vai trò của Bộ luật Dân sự trong hệ thống pháp luật, các ý kiến của ĐBQH đều thống nhất coi đây là một bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung trong hệ thống pháp luật của nước ta. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) thẳng thắn: “Quan điểm của tôi, Bộ luật Dân sự là bộ luật nền. Hiện nay những luật chuyên ngành lấn sân và nhiều khi mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự. Nếu dứt khoát đặt Bộ luật Dân sự là nền thì phải xây dựng một hệ thống pháp luật bền vững; những gì thấy lấn thì phải sửa vấn đề lấn chứ không sửa nền”. Nhiều ĐB khác cũng thống nhất với quan điểm này.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu lưu ý thêm: “Cũng phải làm rõ một số vấn đề những cái gì là nguyên tắc, những vấn đề gì là cơ bản thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, còn những vấn đề gì mang tính chất đặc thù để có thể điều chỉnh trong các luật chuyên ngành; nói cách khác là xác định được mối quan hệ của Bộ luật Dân sự với các luật khác trong hệ thống pháp luật để tránh việc áp dụng không thống nhất”.
Nhiều ĐBQH trong phiên thảo luận hôm qua đã kiến nghị: Không sửa những gì đã ổn định, không gây bức xúc. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) băn khoăn: “Có thật sự cần thiết phải sử dụng một số thuật ngữ mới “vật quyền, trái quyền”, “hành vi pháp lý dân sự, giao dịch dân sự” thay cho những khái niệm đã quen thuộc và cũng không có nội dung gì khác hay không?”. Theo đại biểu, những gì đã ổn định lâu dài và được người dân quen thuộc, không có gì hiểu nhầm cho người dân, thẩm phán, hội đồng xét xử, kiểm sát thì không nên sửa đổi.
Cũng với đề nghị “không sửa những gì đang ổn”, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhận xét: “Về tài sản và quyền sở hữu, Bộ luật Dân sự hiện hành thiết kế chế định này rất mạch lạc, trong khi dự thảo mới đã kết cấu mới lại toàn bộ các chế định này. Cách kết cấu của dự thảo có thể phù hợp, nếu đây là một giáo trình pháp luật với các lý thuyết hàn lâm về quyền sở hữu trong một hệ thống pháp luật đã vận hành ổn định, bền vững và khoa học qua cả trăm năm. Nhưng với hệ thống pháp luật của Việt Nam còn non trẻ, cần tiếp tục tổng kết những vấn đề thực tiễn và cần có những thiết kế rõ ràng, quen thuộc thì việc đảo lộn các quy định như thế là không thích hợp, nếu không nói là khá rủi ro. Đặc biệt là xét về góc độ tác động của nó đến hệ thống pháp luật chuyên ngành”.
Quá bảo vệ bên thứ 3 ngay tình?
Trong số các quy định cụ thể, đây là một trong những nội dung được nhiều ĐBQH bày tỏ băn khoăn. Theo ĐB Vũ Tiến Lộc, dự thảo đang bảo vệ quá mức lợi ích tài sản của chủ thể ngay tình, liên quan tới trường hợp tài sản của chủ thể sở hữu bị chuyển giao cho một người thứ 3 ngay tình, hoặc người chiếm hữu ngay tình.
“Về lý thì cả chủ sở hữu lẫn người thứ 3 đều không có lỗi và cần được bảo vệ. Tuy nhiên, dự thảo đã lựa chọn bảo vệ người thứ 3 ngay tình là chủ yếu, với các quy định nếu tài sản thuộc diện không phải đăng ký quyền sở hữu thì tài sản thuộc về người thứ 3 ngay tình. Còn nếu tài sản thuộc diện phải đăng ký và đã đăng ký thì tài sản đó cũng thuộc về người thứ 3 ngay tình. Chủ sở hữu chỉ được đòi lại tài sản trong một số trường hợp rất hãn hữu” - ĐB Vũ Tiến Lộc phân tích.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội trường.
Nhiều đại biểu cũng đồng quan điểm rằng, việc bảo vệ các chủ thể ngay tình trong các quan hệ liên quan đến tài sản là hợp tình, mặc dù vậy, bảo vệ quá mức của chủ thể ngay tình sẽ dẫn tới việc làm ảnh hưởng đáng kể tới lợi ích của chủ sở hữu, những người về lý có quyền cao nhất, trước hết và đầu tiên đối với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình. Hơn nữa, người thứ 3 ngay tình nếu bị chủ sở hữu hợp pháp đòi lại tài sản thì vẫn hoàn toàn có quyền yêu cầu bên có lỗi bồi thường cho mình, tức là đã được bảo vệ về suy đoán quyền sở hữu từ việc chiếm hữu. ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) lo ngại, quy định như dự thảo sẽ khó chứng minh người thứ 3 có thực sự ngay tình hay không. “Nếu biết người thứ 2 trong giao dịch dân sự không còn có khả năng thanh toán, người thứ 3 sẽ không bao giờ họ thừa nhận là họ có biết để không bị buộc trả lại tài sản cho chủ sở hữu, nhất là trong trường hợp người thứ 2 trong giao dịch có sự thông đồng với người thứ 3. Như vậy, quyền lợi của chủ sở hữu sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng”.
ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) lại nghiêng về quan điểm của ban soạn thảo. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý trường hợp tài sản thuộc loại phải đăng ký. Chúng ta không thể nói là ngay tình khi biết rằng một tài sản phải đăng ký, nhưng chưa được đăng ký mà vẫn cố tình làm giao dịch để có thể chiếm hữu tài sản đó. Do vậy, một nội dung có liên quan là thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu cần phải tính từ khi tài sản được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.
ANH THƯ
Triệt tiêu cơ chế xin - cho ngân sách
Chiều 25-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi. Vấn đề tăng cường kỷ luật ngân sách, phân cấp rõ ngân sách của địa phương được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ĐBQH cho rằng phải đẩy mạnh công khai việc thu - chi NSNN để toàn dân biết, giám sát, trừ những nội dung không được công khai. ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) nêu, phải công khai NSNN, đề nghị công khai trên phương tiện truyền thông để tăng cường sự giám sát của Quốc hội, nhân dân về thực hiện NSNN; công khai tình hình thực hiện dự toán NSNN. Thông tin mật về NSNN chỉ áp dụng cho lĩnh vực an ninh quốc phòng. Theo các ĐBQH, việc công khai, minh bạch sẽ giúp thất thoát, lãng phí NSNN, chấn chỉnh kỷ luật ngân sách đang bị kêu ca là có quá nhiều tồn tại hiện nay.
Từ thực tế việc thu - chi NSNN vẫn còn nhiều lãng phí hiện nay, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đề xuất Quốc hội cần ban hành Luật NSNN thường niên thay cho nghị quyết về ngân sách hàng năm nhằm nâng cao kỷ luật NSNN. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng cho rằng, cách làm này sẽ tăng tính minh bạch trong sử dụng NSNN, tăng kỷ cương ngân sách, tạo cơ hội cho dân biết tiền thuế của mình được sử dụng ra sao. Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) có quan điểm khác: “Theo tôi, vẫn để nghị quyết ngân sách như hiện nay nhưng Quốc hội phải thông qua 2 bước. Kỳ họp đầu năm, Quốc hội thảo luận kế hoạch phân bổ NSNN, phân bổ cho ngành nào, địa phương nào, phải minh bạch. Như vậy sẽ biết năm đó cần hỗ trợ chỗ nào, cần làm gì. Cuối năm, Quốc hội tiến hành phân bổ NSNN đúng kế hoạch đã quyết định. Nếu làm được như vậy thì NSNN sẽ minh bạch”.
Theo nhiều ĐBQH, mọi khoản thu - chi từ NSNN phải đúng theo dự toán, không nên cho các ngành, địa phương ứng dự toán năm sau. Việc lập quỹ ngoài NSNN cũng như sử dụng khoản vượt thu NSNN, NSNN dự phòng... phải được quy định chặt chẽ, chỉ sử dụng vào việc liên quan đến thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, an ninh quốc phòng, nếu không chi hết thì chuyển năm sau để trả nợ hoặc chi tiếp. Còn nếu chỉ nói là chi cho những việc cần thiết thì rất có thể mua thêm ô tô mới cũng là việc cần thiết. ĐB Trần Đình Long (Đắk Nông) yêu cầu phải rất nghiêm khắc trong việc lập quỹ ngoài NSNN, chỉ có Quốc hội mới có quyền quy định việc được lập quỹ này, nhằm chấn chỉnh kỷ luật ngân sách hiện nay.
ĐB Trần Du Lịch, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang), ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên)... đều cho rằng, sửa luật lần này phải rõ NSNN của trung ương và địa phương, tránh trùng lắp, xin - cho như hiện nay. Cái gì địa phương tự chủ thì HĐND tỉnh quyết, cái gì trung ương hỗ trợ địa phương thì Quốc hội phải quyết, chứ không phân cấp chung chung. Nếu làm được như vậy thì từng bước sẽ minh bạch, rõ ràng, khuyến khích được các địa phương trong chủ động ngân sách.
Lâm Nguyên