Ngày 29-4, Tổng cục Thống kê cho biết, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4 chỉ đạt 26,2 ngàn lượt người, giảm 94,2% so với tháng trước và giảm 98,2% so với cùng kỳ năm trước do thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Cụ thể, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4-2020 ước tính đạt 26,2 ngàn lượt người, giảm 94,2% so với tháng trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 98,3%. Khách quốc tế đến bằng đường bộ giảm 70,1%, bằng đường biển giảm 99,5%. So với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4 giảm 98,2%.
Dịch Covid-19 đã khiến số lượng khách quốc tế trong tháng 4 giảm tới hơn 98% cùng kỳ năm 2019 Tình hình khách quốc tế giảm được cho là sẽ tiếp tục trong tháng 5 và các tháng tiếp theo. Lý do là vì, hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu, cũng như một số nước châu Á tiếp tục thực hiện việc phong tỏa, đóng cửa biên giới.
Điều này sẽ ngăn cản dòng du lịch quốc tế. Thêm vào đó, hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm đẩy lùi dịch Covid-19, dù đã nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng chưa sẵn sàng mở cửa cho du khách quốc tế. Nhiều khả năng, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng trở lại trong tháng 5, nhưng chủ yếu đến vì mục đích công việc.
Dịch Covid-19 đã đẩy ngành công nghiệp không khói không chỉ của Việt Nam, mà trên toàn cầu, chịu những tổn thất nặng nề. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành này, mới đây, Hội đồng Tư vấn Du lịch đã đề xuất Chính phủ xem xét gói hỗ trợ lên đến 150.000 tỷ đồng bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp du lịch để vượt qua đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ngày 29-4, hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch ASEAN cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi ngành du lịch trong khu vực.
Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch ASEAN đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn của du lịch trong khu vực Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Quang Tùng cho biết, công suất phòng trung bình của quý I chỉ khoảng 20%, tháng 4 chỉ ở mức dưới 10%. Lao động ngành du lịch được cho nghỉ không lương hoặc giảm đến 80% lương. Doanh thu của các công ty lữ hành liên tục giảm sâu, gần như về con số 0 trong tháng 4.
Theo đó, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng kiến nghị các quốc gia thành viên ASEAN phối hợp, triển khai một số biện pháp, hành động cụ thể như: Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tháo gỡ khó khăn, phục hồi ngành du lịch; Tăng cường phối hợp nội khối trong các hoạt động truyền thông điểm đến chung ASEAN an toàn, hấp dẫn và thúc đẩy du lịch nội khối sau khi dịch bệnh được khống chế…
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung các Bộ trưởng Du lịch ASEAN về thúc đẩy hợp tác để phục hồi du lịch ASEAN. Trong đó nhấn mạnh một số nội dung như: Đẩy mạnh sự phối hợp của ASEAN trong việc trao đổi thông tin liên quan đến du lịch về sức khỏe và các biện pháp cần thiết khác được thực hiện bởi các quốc gia thành viên ASEAN nhằm kiểm soát sự lây lan của Covid-19, thông qua việc tăng cường hoạt động của Nhóm Truyền thông khủng hoảng du lịch ASEAN (ATCCT), với mục tiêu cung cấp các thông tin kịp thời và đáng tin cậy cho khách du lịch và các doanh nghiệp lữ hành inbound và outbound trong khu vực…
Cùng với đó là đẩy mạnh sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc chia sẻ thông tin và trao đổi các thực tiễn tốt nhất của các nước thành viên ASEAN. Thực hiện các chính sách và biện pháp minh bạch để củng cố niềm tin của khách du lịch trong nước và quốc tế đến Đông Nam Á, bao gồm xây dựng các tiêu chuẩn và hướng dẫn rõ ràng cho một môi trường làm việc an toàn và khỏe mạnh hơn nhằm bảo vệ các nhân viên và cộng đồng trong ngành khách sạn và du lịch, các điểm đến và cơ sở du lịch tại các nước thành viên ASEAN. Các thành viên khu vực nỗ lực quảng bá và chương trình xúc tiến du lịch chung với mục tiêu phát triển ASEAN trở thành một điểm đến chung…
MAI AN