Tháng 5-2011, TPHCM cần trên 25.000 lao động

(SGGP).- Theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), xu hướng nhu cầu nhân lực TPHCM trong tháng 5-2011 dự báo sẽ tiếp tục tăng khoảng 20% so với tháng 4-2011.

(SGGP).- Theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), xu hướng nhu cầu nhân lực TPHCM trong tháng 5-2011 dự báo sẽ tiếp tục tăng khoảng 20% so với tháng 4-2011.

Xét về cơ cấu ngành nghề, nhu cầu về lao động phổ thông đã giảm rất nhiều so với cùng kỳ trước đó. Cụ thể, chỉ số nhu cầu lao động phổ thông tháng 4-2011 là 77% thì đến tháng 4-2011 chỉ số nhu cầu lao động phổ thông có giảm còn 35,4%. Do đó, tình trạng khan hiếm một phần được khắc phục ở một số nhóm ngành nghề như dệt may - giày da, cơ khí - luyện kim, điện tử - viễn thông…

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực FALMI, nhận định, qua chỉ số nhu cầu tuyển dụng theo trình độ tháng 4-2011 có thể thấy được sự chú trọng của các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng nguồn lao động có trình độ và tay nghề cao. Cụ thể, ở trình độ sơ cấp nghề chiếm 3,28%; công nhân kỹ thuật lành nghề 2,91%; trung cấp 24,1%; cao đẳng 16,3%; đại học và trên đại học 18,01%.

Trong tháng 4-2011, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng 23,9% so với tháng 3-2011. Nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất tập trung ở các ngành nghề: dệt may - giày da 29,31%; bán hàng 21,28%; marketing - nhân viên kinh doanh 11,78%; dịch vụ và phục vụ 5,26%; điện tử - viễn thông 5,71%; giáo dục - đào tạo - thư viện 4,15%… Trong tháng 4-2011, các doanh nghiệp ổn định sản xuất và kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông giảm hẳn, thay vào đó là nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề.

Một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng so với tháng 3-2011 như bán hàng, điện tử - viễn thông, tư vấn - bảo hiểm… Chỉ số nguồn cung lao động trong tháng 4-2011 tăng 4,6% so tháng 3-2011.

Theo ông Tuấn, qua khảo sát, dự báo trong tháng 5-2011, TPHCM có nhu cầu tuyển dụng trên 25.000 lao động. Xu hướng tăng cao về nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề. Cụ thể lao động có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10%; cao đẳng, trung cấp khoảng 40%; công nhân kỹ thuật - sơ cấp nghề 15%, còn lại là lao động phổ thông...

Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong tháng 5 là quản lý kinh tế - kinh doanh; công nghệ thông tin; tài chính - ngân hàng - kế toán - kiểm toán; du lịch - khách sạn; chăm sóc sức khỏe; chế biến thực phẩm, xây dựng - kiến trúc… Do đó một số ngành nghề như cơ khí, điện tử - điện công nghiệp, xây dựng - kiến trúc, marketing sẽ khó đáp ứng đủ nhu cầu…

H.Việt

Tin cùng chuyên mục