Dường như đã trở thành một thông lệ, từ lâu cứ mỗi độ rằm tháng Giêng là người dân TPHCM cũng như khắp các tỉnh thành trong cả nước lại nô nức đi viếng chùa lễ Phật. Từ bao đời qua, đi chùa lễ Phật tháng Giêng để cầu mong cho gia đình và người thân một năm mới với mọi điều an lành, hạnh phúc, tài lộc, công việc thuận lợi… đã trở thành một thói quen không thể thiếu, một nét đẹp văn hóa của bao thế hệ người Việt.
Nét đẹp văn hóa truyền thống
Dân gian từ xa xưa đã có câu “Tháng Giêng là mùa lễ hội” quả không sai. Trên thực tế, không phải đợi đến ngày rằm tháng giêng mà ngay khi vừa đón giao thừa khởi đầu năm mới Bính Thân, rất nhiều người dân TPHCM đã khởi công đầu năm bằng việc… đi chùa lễ Phật.
Anh Lê Nguyên Quý, chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: “Đầu năm, độ ra giêng năm nào vợ tôi cũng lên kế hoạch đi lễ chùa. Năm nay có nhiều thời gian hơn nên vợ chồng tôi và các con sẽ đi chùa một chuyến 4 ngày, bắt đầu từ chùa Bà Chúa Xứ ở núi Sam Châu Đốc, sau đó đánh một vòng về chùa Bà ở Tây Ninh, điểm cuối là chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương”. Chị Mỹ Loan, vợ anh Quý nói: “Năm qua, công việc làm ăn của công ty và gia đình khá suôn sẻ, chúng tôi muốn lễ chùa đầu năm để cảm tạ trời đất cũng như xin lộc, cầu an, cầu phúc sẽ đến với gia đình trong năm mới. Đây còn là một nét văn hóa truyền thống của người Việt từ bao đời qua, nên tôi muốn các con hiểu được điều này. Tôi mong các con sẽ luôn sống chan hòa, có tâm với mọi người và có ích với xã hội”.
Người dân thắp nhang cúng rằm tháng Giêng tại chùa Bà (Bình Dương) (Ảnh: DŨNG PHƯƠNG)
Không phải ngẫu nhiên mà thành ngữ có câu “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng”. Dù với nhiều người dân, đi chùa đã bắt đầu từ đêm giao thừa nhưng để nếm được không khí thực sự của lễ chùa thì phải đến độ ra giêng, cao điểm nhất thường là những ngày từ 11, 12 âm lịch đến rằm. Ngoài những ngôi chùa lớn tại TPHCM như Vĩnh Nghiêm, Việt Nam quốc tự, Xá Lợi, Hoằng Pháp, Huê Nghiêm, Nam Thiên nhất trụ… thông thường, người dân TPHCM và các tỉnh Nam bộ chọn hành hương lễ Phật đến các nơi như: viếng chùa Bà Chúa Xứ ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang), chùa Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (Tây Ninh), chùa Bà Thiên Hậu, chùa núi Châu Thới (ở Bình Dương) hoặc lễ chùa trên núi Gia Lào (tỉnh Bình Thuận)…
Theo ghi nhận của chúng tôi tại chùa Vĩnh Nghiêm đêm 12 âm lịch, hàng trăm người dân viếng chùa trong không khí trật tự, trang nghiêm. Tại khu vực ba cầu thang lớn dẫn lên Phật điện, nhà chùa bố trí người túc trực để nhắc nhở, khách viếng mỗi người chỉ được thắp 3 nén nhang. Khu vực giữ xe trong chùa vẫn bảo đảm giá đúng quy định ở mức 5.000 đồng/lượt xe máy. Thượng tọa Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết: “Từ nhiều ngày trước, nhà chùa đã triển khai kế hoạch để bảo đảm an toàn, văn minh trong lễ hội dịp tháng giêng. Nhà chùa phối hợp với lực lượng dân phòng, công an địa phương thực hiện phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự cho người dân trong những ngày lễ hội. Nhờ vậy, từ nhiều năm qua đã không còn xảy ra tình trạng trộm cắp tài sản, giật dọc, trà trộn móc túi du khách… trong khuôn viên chùa. Nhiều năm qua, nhà chùa cũng đã vận động phật tử, người dân đến viếng chùa và cả các đám tang tổ chức tại chùa thực hiện không đốt vàng mã”.
Dịch vụ ăn theo “được mùa”
Sáng sớm ngày 13 âm lịch, chúng tôi viếng chùa Nam thiên nhất trụ (chùa Một Cột), đường Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức. Một số điểm giữ xe tư nhân đối diện chùa lấy giá 10.000 đồng/lượt xe máy. Giá tăng theo thời điểm, chiều tối ngày 13 và 14, giá giao động lên 15.000 - 20.000 đồng/lượt xe máy. Giá nhang đèn trước cổng chùa cũng theo thời điểm mà tăng từ 20.000 đồng/thẻ nhang lên 40.000 - 50.000 đồng/thẻ nhang. Không có người ăn xin, nhưng đội quân bán vé số rất hùng hậu len vào tận trong chùa, níu kéo từng người khách viếng. Cảnh tương tự cũng được chúng tôi ghi nhận tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), Việt Nam quốc tự (quận 10), chùa Châu Đốc 3 (quận 9)…
Đến chùa Bà Bình Dương trong ngày rằm tháng Giêng, dòng người xe máy và ô tô chen chúc từ Đại lộ Bình Dương vào đến chùa. Lượng người đến chùa đông nhất vào thứ bảy và chủ nhật, nhằm 13 và 14 tháng Giêng, hai ngày nghỉ cuối tuần. Có nhiều người ở các tỉnh chọn đi từ nửa đêm để tránh bị kẹt xe. Ngày thứ bảy và chủ nhật, khu vực chùa Bà Bình Dương đông nghẹt người đến cúng rằm. Hàng chục bãi giữ xe tự phát mọc lên xung quanh chùa chật cứng và hầu như quá tải. Giá giữ xe cũng… tự phát tăng giảm không thể kiểm soát. Buổi sáng, trung bình giá giữ xe máy ở các bãi xe này là 10.000 đồng/xe. Đến tối giá lên mức 20.000 đồng/xe, người đi chùa phần nhiều không ai muốn đôi co nên chấp nhận gửi xe đủ các mức giá. Các quầy hàng ăn uống, giải khát giá cũng tăng chóng mặt: chai nước suối 25.000 đồng, ly sâm lạnh 15.000 đồng, ly nước mía vỉa hè giá 15.000 đồng, hủ tiếu, bún riêu giá 40.000 - 50.000 đồng/tô…
Điểm đáng ghi nhận năm nay là khu vực chùa Bà Bình Dương hoàn toàn vắng bóng người ăn xin. Tuy nhiên, lại phát sinh thêm một số hình thức xin tiền khác. Theo nhiều người dân nơi đây, do có quy định cấm ăn xin ở khu vực chùa Bà nên một số người ăn xin chuyển qua bán… nhang đèn, hoa tươi, hoa cúng. Mỗi phần hoa bán khoảng 15.000 - 25.000 đồng, khi người mua trả tiền dư, người bán liền kèo nèo xin luôn phần tiền thừa, đeo bám khách để xin bằng được mới thôi. Cũng tại đây, người bán đồ cúng, hoa cúng chèo kéo khách viếng chùa gây nên tình trạng lộn xộn.
MINH AN - DŨNG PHƯƠNG
| ||