Tháng giêng lễ hội chùa Bà

Hàng năm, cứ vào dịp tháng giêng, du khách thập phương lại đổ về TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) tham dự các nghi thức văn hóa, tâm linh của lễ hội chùa Bà. Cao điểm của các hoạt động mang ý nghĩa truyền thống văn hóa này được diễn ra trong suốt hai ngày 14 và 15 tháng giêng.
Tháng giêng lễ hội chùa Bà

Hàng năm, cứ vào dịp tháng giêng, du khách thập phương lại đổ về TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) tham dự các nghi thức văn hóa, tâm linh của lễ hội chùa Bà. Cao điểm của các hoạt động mang ý nghĩa truyền thống văn hóa này được diễn ra trong suốt hai ngày 14 và 15 tháng giêng.

Từ 2 giờ chiều 23-2 (nhằm ngày 14 âm lịch), trên các tuyến đường dẫn về chùa Bà tại ngã 6 vòng xoay chợ Thủ Dầu Một, dòng người và xe cộ đã tấp nập, có đoạn chật cứng phải nhích từng bước một. Ai nấy đều hân hoan, thành kính cầm trên tay những nhành hoa, cành lá, bó nhang tượng trưng cho lộc xuân may mắn dâng cúng lên Bà cầu xin cho một năm mới được quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi nhà, mọi người có cuộc sống hạnh phúc, bình an, làm ăn phát đạt.

Chị Trần Thị Hà, nhà ở huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) cùng 5 người trong gia đình đến lễ Bà từ rất sớm trong ngày 14 âm lịch, vì như chị nói: “Phải đi thật sớm như vậy mới viếng Bà và xin lộc đầu năm được. Năm nào gia đình cũng đi lễ Bà và thưởng ngoạn các lễ hội cho đến hết ngày 15 âm lịch mới về…”.

Người dân đến lễ Bà tại chùa Bà Bình Dương.

Người dân đến lễ Bà tại chùa Bà Bình Dương.

Theo ông Lưu Cam, Trưởng ban Quảng Đông chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, từ mùng 1 Tết tới nay đã có hàng chục ngàn du khách thập phương đến dâng cúng lễ Bà và cầu an cho gia đình. So với năm ngoái, năm nay lượng người đến cúng lễ và tham gia các lễ hội nhiều hơn, nhất là các cá nhân và doanh nghiệp ở TPHCM - chứng tỏ đã có một niềm tin vào nền kinh tế của đất nước trong năm nay sẽ sớm được hồi phục và phát triển. 

Ngoài bố trí các tuyến xe buýt miễn phí đi lại giữa chùa Bà (cũ) với chùa Bà (mới) tại TP mới Bình Dương, ban tổ chức còn bố trí các điểm sơ cấp cứu, vá vỏ ruột xe miễn phí… Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chen lấn trong khuôn viên chùa xin lộc, chặt chém tại các điểm giữ xe, hàng quán, nạn trộm cướp, móc túi hoành hành.

Ngoài những du khách thập phương đến chùa xin phát lộc (bao lì xì), cũng còn có một số người đến đây vay tiền mặt (đựng trong bao lì xì) để làm ăn. Nếu năm trước làm ăn có dư thì trả lại cho Bà gấp đôi, gấp ba và nhiều hơn nữa.

Cho rằng lộc của Bà rất hên nên nhiều người bằng mọi giá đổi bằng được bao lì xì của chùa. Nạn bói toán, mê tín dị đoan bên ngoài cổng chùa vẫn còn. Đây là những hạt sạn làm cho không khí lễ hội chùa Bà rằm tháng giêng không được vui.

C.TƯỞNG

Theo chương trình, vào lúc 9 giờ sáng ngày 24-2 (nhằm ngày 15 âm lịch), tại trước sân chùa Bà sẽ diễn ra nghi thức đấu giá 9 lồng đèn đỏ cầu may năm mới. Những năm kinh tế phát triển, người dân làm ăn khấm khá, trị giá của mỗi lồng đèn được đấu giá lên tới 500, 700 triệu đồng.

Năm nay, ban tổ chức lễ hội kỳ vọng rất nhiều vào các doanh nghiệp, các mạnh thường quân từ TPHCM tham gia đấu giá sẽ trúng được lồng đèn may mắn với trị giá đóng góp lớn. Toàn bộ số tiền trúng đấu giá thu được từ 9 lồng đèn sẽ được đóng góp cho các hoạt động xã hội từ thiện, tu sửa chùa và xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ đời sống người dân. 

Đến với lễ hội chùa Bà, du khách thập phương sẽ được chứng kiến lễ rước Cộ - một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Thủ Dầu Một hơn 100 năm qua. Lễ rước Cộ được diễn ra từ 3 giờ chiều ngày 15 âm lịch, bắt đầu các nghi thức cúng lễ tại chánh điện chùa, sau đó đoàn rước với hàng ngàn người đi một vòng qua các tuyến đường Nguyễn Du, Yersin, Hùng Vương, Thái Lập Thành, rồi vòng qua đường Đoàn Trần Nghiệp, Cách Mạng Tháng Tám về trở lại chùa Bà.

Đi đầu đoàn rước Cộ là kiệu Bà, bài vị, tượng Bà, các đoàn múa lên sư rồng và hàng ngàn người thành kính, chiêm bái cầu xin cho một năm mới may mắn, an vui, làm ăn phát đạt. Lễ rước Cộ thường kết thúc lúc 18 giờ, sau đó là dòng người đổ về viếng Bà, dâng cúng lễ vật, xin lộc đầu năm kéo dài cho tới sáng.

Theo Thượng tọa Thích Huệ Thông, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương, lễ hội chùa Bà rằm tháng giêng hàng năm dù chỉ là lễ hội mang tính văn hóa, truyền thống, nhưng có sức thu hút rất lớn đối với Phật tử gần xa. Nét mới của lễ hội chùa Bà năm nay được cho là phong phú, độc đáo và thu hút du khách thập phương nhờ có hai ngôi chùa mới là chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (chùa Bà mới) và chùa Hội An được khánh thành tại trung tâm TP mới Bình Dương.

Để giúp du khách thập phương vừa tham gia các lễ hội tại chùa Bà (cũ) ở ngã 6 vòng xoay chợ Thủ Dầu Một, vừa cúng lễ, thưởng ngoạn hai ngôi chùa mới tại TP mới Bình Dương, chính quyền TP Thủ Dầu Một đã bố trí tuyến xe buýt đi lại miễn phí, chạy suốt ngày đêm.

Tại chùa Hội An hiện có pho tượng Kỳ Lam Ngọc Phật được làm bằng khối đá saphia nặng gần 40 tấn, do một phật tử cúng dường chở từ tỉnh Nghệ An vào. Đây được coi là một công trình độc đáo, có giá trị cao, càng tôn lên giữa quần thể kiến trúc các ngôi chùa tại trung tâm TP mới Bình Dương hiện đại, phát triển.

>> Một số hình ảnh tại chùa Bà đêm 23-2

Các điểm giữ xe xung quanh chùa Bà.

Các điểm giữ xe xung quanh chùa Bà.

Cảnh chèo kéo mua đồ lễ chùa.

Cảnh chèo kéo mua đồ lễ chùa.

Nhốn nháo nơi cửa chùa. Ảnh: Đức Trọng

Nhốn nháo nơi cửa chùa. Ảnh: Đức Trọng

HOÀI NAM

Lễ khai ấn đền Trần - Nam Định tiếp tục “nóng”

* Hội An là “Thành phố du lịch được yêu thích hàng đầu thế giới”

Năm 2013, lễ hội đền Trần - Nam Định vẫn được tiến hành theo đề án tổ chức lễ hội cũ tức là đêm 14 tháng Giêng nhà đền sẽ làm lễ khai ấn theo đúng nghi lễ truyền thống và đến 7 giờ sáng hôm sau việc phát ấn cho nhân dân và khách thập phương mới bắt đầu được tiến hành. Song có lẽ năm nay lễ khai ấn rơi đúng vào ngày nghỉ cuối tuần nên sức nóng của buổi lễ tăng dần. Không chỉ những người bán hàng quanh khu vực đền được dịp tăng thu nhập mà các nhà nghỉ, khách sạn nằm cách đền trong bán kính 2 - 3km cũng nâng giá lên gấp đôi, gấp ba ngày thường nhưng tình trạng cháy phòng vẫn xảy ra.

Năm nay, ngoài việc tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh, Ban tổ chức lễ hội đền Trần còn sử dụng hệ thống barie sắt di động khu biệt các khu vực để các thành viên ban tổ chức làm nhiệm vụ như khu vực bàn ghi công đức, toàn bộ tuyến đường trước cửa khu di tích cũng được chia làm nhiều điểm chốt không cho xe máy, ô tô qua lại…

Cũng do phân luồng từ xa như vậy nên đội ngũ xe ôm được dịp hoành hành. Với giá khoảng 50.000 đồng/chuyến, khách được chở luồn lách qua những con đường làng nhỏ để rút ngắn đến hơn phân nửa quãng đường đi bộ. Ngay tại khu vực phía ngoài cổng đền, mặc dù loa vẫn đang ra rả kêu gọi người dân không nên mua ấn giả, thế nhưng những lời mời chào vẫn được đưa ra với giá từ 70.000 - 100.000 đồng/chiếc. Cùng với việc bán ấn được khẳng định là 100% xịn thì việc bán bùa bình an, ấn trấn trạch cũng được bày bán công khai và nhiều du khách cũng chọn giải pháp này thay vì cách phải chờ đợi vật vờ không chỗ nghỉ cho tới buổi lễ phát ấn vào sáng hôm sau.

Năm nay, ban tổ chức cũng đã tạo khoảng trống an toàn để không còn cảnh tranh nhau cướp lộc trong lễ khai ấn như đã xảy ra ở mùa lễ hội trước, song với sức nóng của hàng ngàn người, không kể cái lạnh đến cắt da, cắt thịt của miền Bắc, đứng chôn chân hàng tiếng đồng hồ trước cổng đền chờ đến giờ mở cửa để lao vào xin lộc thánh thì cảnh chen lấn, xô đẩy vượt rào là điều không tránh khỏi.

Tối 23-2, UBND TP Hội An tổ chức lễ đón nhận giải vàng “Thành phố du lịch được yêu thích hàng đầu thế giới” do bạn đọc Tạp chí Wanderlust (Anh) bầu chọn. Trong số 976 thành phố được độc giả Wanderlust bầu chọn, Hội An được đánh giá cao, với mức độ hài lòng của du khách lên tới 97,18%.

Tối cùng ngày, tại Công viên Trần Hầu (TX Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), lễ hội Năm văn hóa du lịch Hà Tiên và kỷ niệm 277 năm Tao đàn Chiêu Anh Các (1736 - 2012) được khai mạc. Tại đầm Đông Hồ, 6.000 hoa đăng đã được thả xuống, tạo không gian lung linh huyền ảo. Đây cũng là điểm nhấn nổi bật gợi lại hình ảnh trăng in đáy nước Đông Hồ, được khắc họa trong thi phẩm Đông Hồ ấn nguyệt, một trong 10 bài thơ trong tập Hà Tiên thập vịnh, một thi phẩm đánh dấu sự ra đời của Tao đàn Chiêu Anh Các tại vùng đất Hà Tiên.

M.AN - NG.KHÔI - T.NGHĨA

Tin cùng chuyên mục