Tháng 9 - Tháng khuyến mãi cao điểm năm 2015 tại TPHCM đã khép lại. Mặc dù sức mua bình quân tại nhiều đơn vị có mức tăng trưởng ở nhiều mức độ khác tháng trước đó, nhưng hiệu ứng từ các chương trình khuyến mãi kích cầu đã tạo sức lan tỏa chung trên thị trường. Đây là cơ sở, là động lực để các doanh nghiệp (DN) hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho mùa tết sắp tới.
Sức mua tăng từ 3%-20%
Tháng khuyến mãi năm 2015 đã thu hút số lượng DN tham gia với con số kỷ lục, gồm hơn 2.000 DN và hơn 4.000 hộ kinh doanh cá thể (tại các chợ truyền thống, cửa hàng trên địa bàn) đăng ký tham gia khuyến mãi tại 6.200 điểm bán hàng. Tổng chi phí thực hiện khuyến mãi của các DN ước tính hơn 2.200 tỷ đồng. Các ngành hàng tham gia khuyến mãi bao gồm: hàng tiêu dùng, điện tử, thời trang, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, ngân hàng, viễn thông, trang trí nội thất, dịch vụ du lịch, khách sạn… Mức giảm giá trong tháng khuyến mãi từ 5% - 49%, kèm nhiều quà tặng và hàng dùng thử. Đây là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm của TPHCM nhằm kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân TP và các tỉnh lân cận, qua đó thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Kết thúc Tháng khuyến mãi cho thấy, tại các chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) và các điểm bán có tham gia khuyến mãi, sức mua tăng bình quân từ 3%-20%, cao điểm trong dịp lễ 2-9 vừa qua tăng 40% - 50% so với ngày thường. Cụ thể, tại Siêu thị Sài Gòn (Satramart), tổng doanh thu trong tháng 9 đạt hơn 24 tỷ đồng, tăng 11% so với tháng thường và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2013; lượng khách đến mua sắm ước đạt 87.347 lượt, tăng 6% so với tháng 8-2015. Nhóm hàng có sức mua tăng cao tại Satramart là thực phẩm và hóa mỹ phẩm. Tại TTTM Maximark Cộng Hòa, doanh thu tăng từ 10% - 15% so với tháng bình thường, mức tăng này tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Mua nồi cơm điện chương trình Tháng khuyến mãi tại Siêu thị điện máy Thiên Hòa. Ảnh: CAO THĂNG
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết, trong tháng 9 - tháng “Tự hào hàng Việt”, sức mua các mặt hàng thực phẩm tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30%, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, may mặc và hóa mỹ phẩm. Các ngày cuối tuần khuyến mãi mạnh, sức mua tăng hơn 50%, số lượt khách ước tính tăng 30% so với bình thường. Ước tổng doanh thu trong tháng 9 tại hệ thống Co.opmart đạt gần 2.000 tỷ đồng. Tương tự, tại hệ thống Siêu thị Big C, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc quan hệ công chúng, cũng cho hay, doanh thu trong Tháng khuyến mãi tăng gần 20% so với các tháng trước đó. Tổng doanh thu của Công ty Vissan cũng đạt 900 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2014. Nhóm hàng có sức tăng mạnh bao gồm nhóm đồ hộp, nhóm thịt nguội, nhóm đông lạnh và nhóm xúc xích tiệt trùng.
Theo các DN, ngay sau khi Tháng khuyến mãi kết thúc, họ đã bắt tay triển khai các chương trình khuyến mãi mới để kích cầu tiêu dùng, tạo đà cho hoạt động sản xuất và kinh doanh cuối năm.
Các quận, huyện tích cực thực hiện khuyến mãi
Không chỉ ở hệ thống siêu thị, chương trình khuyến mại còn diễn ra rộng khắp tại các tuyến đường, các chợ, công viên… Ông Nguyễn Văn Luông, Phó Chủ tịch UBND quận 6 (TPHCM) cho biết, quận 6 đã tham gia vào Tháng khuyến mãi bằng việc tổ chức phiên chợ, hội chợ; tổ chức khuyến mãi tại các chợ, đường phố… nhờ đó, doanh thu và sức mua tăng. Đơn cử như với việc áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá ở nhiều cửa hàng, toàn tuyến đường Hậu Giang - Tháp Mười và đường Nguyễn Văn Luông, Bà Hom… doanh số bán hàng đạt trên 25 tỷ đồng, tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, Tháng khuyến mãi còn thu hút hơn 200 tiểu thương chợ Bình Tây tham gia với mức doanh thu đạt 5 triệu đồng/sạp/ngày, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2014.
Quận Tân Bình cũng tổ chức nhiều chương trình hưởng ứng Tháng khuyến mãi như Phiên chợ khuyến mãi 2015 do UBND quận tổ chức, với hơn 250 gian hàng của gần 200 DN tham gia giới thiệu và bày bán nhiều mặt hàng, mẫu mã đa dạng, phong phú như thời trang, phụ kiện thời trang, thực phẩm chế biến, văn hóa phẩm, hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ... Đây là dịp để các DN tham gia giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển kinh tế, còn người tiêu dùng có thể tham quan, mua sắm các mặt hàng có chất lượng, với giá cả ưu đãi, phù hợp.
Tại chợ Phạm Văn Hai, khoảng 370 hộ kinh doanh quần áo, phụ kiện thời trang tham gia Tháng khuyến mãi thông qua các hình thức như niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, giảm giá 10%-49%, tặng kèm sản phẩm... Kết thúc Tháng khuyến mãi nhiều tiểu thương phấn khởi vì doanh thu tăng từ 10%-20% so với tháng thường.
Tại quận 3, Tháng khuyến mãi đã thu hút hơn 500 DN, hộ kinh doanh tham gia. Nhờ công tác triển khai, truyền thông tốt nên lượng khách đến tham quan, mua sắm tại các siêu thị và cửa hàng tăng 30% so với tháng trước đó. Theo nhận định của ông Võ Khắc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận 3, Tháng khuyến mãi đã thực sự tạo ra lễ hội mua sắm, kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn quận. Các DN đã nhận thức rõ về mục đích và ý nghĩa chương trình nên thực hiện khá tốt các quy định khi tham gia. Hàng hóa, dịch vụ đưa vào khuyến mãi đạt chất lượng, giá cả niêm yết công khai. Việc tổ chức khuyến mãi tập trung trên diện rộng đã mang lại hiệu quả tốt hơn so với việc các đơn vị tự tổ chức. Do vậy, cần nhân rộng Tháng khuyến mãi hơn nữa để giúp các DN thắt chặt quan hệ giữa sản xuất và phân phối - kinh doanh, giúp nâng cao giá trị thương hiệu DN…
Một trong những điểm mới của Tháng khuyến mãi năm 2015 là các hoạt động giảm giá, khuyến mãi không chỉ diễn ra trong tháng 9 mà còn luân phiên kéo dài đến hết năm 2015. Vì vậy, các tiểu thương, các đơn vị kinh doanh, DN vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động kích cầu.
Có thể nói, kết quả đạt được từ Tháng khuyến mãi ở mỗi nhóm ngành hàng, mỗi DN, mỗi quận - huyện là khác nhau, song có thể khẳng định chương trình đã góp phần bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng xã hội, hỗ trợ DN đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước, xây dựng thương hiệu hàng Việt đến cộng đồng người tiêu dùng. Đây cũng là việc triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của TP thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,8% Theo Sở Công thương TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 57.292 tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước. Trong đó, hoạt động khách sạn, nhà hàng đạt mức tăng 2,9% do TP tổ chức nhiều hoạt động thu hút khách du lịch như Hội chợ du lịch quốc tế ITE-HCM, liên hoan ẩm thực các nước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 493.439 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ. Trong đó, bán lẻ hàng hóa đạt 392.846 tỷ đồng, chiếm 79,6% trong tổng mức, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2014. |
HẢI HÀ