Thăng trầm làng đá Non Nước

Làng đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả thế giới. Qua nhiều thăng trầm, những nghệ nhân của làng vẫn bấu víu, xoay xở để tồn tại và gìn giữ làng nghề. 

Làng đá mỹ nghệ Non Nước nằm ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Ngày trước, nghệ nhân làng đá chủ yếu là người Hòa Quý, Hòa Hải (huyện Hòa Vang, nay là quận Ngũ Hành Sơn). Nhưng nay, số nghệ nhân này vơi dần, thay vào đó là những thợ đá từ Quảng Nam, Quảng Ngãi đổ về. Nhiều người ban đầu chỉ xác định đi làm thuê kiếm tiền nuôi thân nhưng khi tay nghề đã “cứng”, họ quyết định ở lại làng Non Nước lập nghiệp.

Gạt mồ hôi trên khuôn mặt lấm bụi, anh Nguyễn Tuấn Anh (30 tuổi, quê ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cho biết, anh theo học nghề tại làng đá Non Nước từ năm 19 tuổi. Mỗi ngày đạp xe 30km từ nhà đến làng nghề để học. Nay thì anh đã theo nghề được 11 năm, trở thành thợ chính.

“Làm nghề này cực lắm nhưng được cái thu nhập cao. Bình quân được 400.000-2.000.000 đồng/ngày. Nhưng cũng có lúc, như những năm dịch, làng nghề đìu hiu, anh em thợ cũng nghỉ việc”, anh Tuấn Anh nói.

Anh Nguyễn Tuấn Anh phải làm việc thường xuyên trong môi trường đầy bụi đá


Sống trong làng nghề, nhưng anh Trần Minh Tiến (27 tuổi) cũng như nhiều thanh niên trong làng không có mấy ai theo suốt được nghề đá. Năm 18 tuổi, anh Tuấn đã học nghề, cho đến khi tay nghề “cứng” thì lại bỏ ngang đi lái xe vì nghề đá quá nhọc nhằn. Nhưng rồi, dịch Covid-19 tràn qua, anh Tuấn lại quay về nghề đá. Theo anh Tuấn, nghề đá kén người bởi đòi hỏi sự cần mẫn, óc thẩm mỹ cao, chỉ lỡ tay là không có cơ hội sửa chữa.

Chứng kiến sự đổi thay của làng nghề, đã 28 năm tạc tượng, anh Huỳnh Bá Tài (43 tuổi, trú tổ 21 phường Hòa Hải) kể rằng, làng nghề bây giờ chỉ phát triển về máy móc nhưng mai một về con người. Giá trị của làng nghề chính là bàn tay của nghệ nhân nhưng họ chưa được coi trọng, đời sống bấp bênh. Vì thế, sau dịch Covid-19, làng nghề gặp khó do đứt gãy chuỗi cung ứng nên nhiều người bỏ nghề, nhiều người chuyển hướng sản xuất kinh doanh để tồn tại. 

Nhiều gia đình có ba, bốn thế hệ theo trọn với nghề đục đẽo nhưng chung quy nghề đá vẫn là nghề “lăn lóc giữa đời...”, quanh năm suốt tháng miệt mài với đá, mũi đục. Nhiều người mang tật bệnh do khói bụi, do tiếng ồn, thương tật do đá lăn... Đó là chưa kể sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm mỹ nghệ khác, nhất là sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền hiện đại. 

Theo ông Lưu Vạn Tâm Anh, Trưởng ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, làng đá mỹ nghệ Non Nước có 381 cơ sở, giải quyết cho hơn 3.000 lao động. Sau khi hoàn thành thực hiện quy hoạch làng nghề giai đoạn 1 với diện tích 35,5ha, hiện đang hoàn chỉnh thi công mở rộng một số tuyến đường phù hợp với tải trọng lớn để vận chuyển nguyên liệu vào làng nghề và sản phẩm ra cảng, tập trung giải quyết kịp thời vấn đề cấp bách về ô nhiễm môi trường, hạn chế bụi trong khu dân cư, vấn đề mỹ quan làng nghề. Đến năm 2023, UBND quận hoàn thiện các thủ tục đầu tư và cấp vốn triển khai hạ tầng kỹ thuật mở rộng làng nghề nhằm giải quyết cho những cơ sở sản xuất chưa đủ đất để sản xuất.

Tin cùng chuyên mục